Lý do UAV Thổ Nhĩ Kỳ thành công ở Syria, Libya nhưng chưa chắc thắng ở Ukraine

Những thành công trước đây ở Azebaijan, Syria và Libya có thể không dự đoán chính xác những chiến thắng tương tự ở Ukraine.

Ukraine dùng UAV Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng ly khai miền Đông

Theo trang Asia Times, trong tháng 12, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Ukraine máy bay không người lái (UAV) TB2 Bayraktar với số lượng không được tiết lộ. Thỏa thuận này tiếp tục các thương vụ vũ khí giữa hai nước vốn bắt đầu từ năm 2019. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Ukraine các trạm điều khiển UAV, tên lửa và Ukraine đã đặt hàng Thổ Nhĩ Kỳ thêm ít nhất 24 UAV.

UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ với các ký hiệu Ukraine. Ảnh: MINISTRY OF DEFENSE OF UKRAINE

Hồi tháng 10, Ukraine lần đầu tiên sử dụng UAV TB2 Bayraktar để tấn công lực lượng ly khai ở miền Đông nước này. UAV Bayraktar đã thả một quả bom dẫn đường từ bên trong lãnh thổ do Ukraine kiểm soát và phá hủy một bích kích pháo trong lãnh thổ đối phương. UAV Bayraktar đã không cần phải vượt qua Đường tiếp xúc (Line of Contact) ngăn giữa lực lượng Ukraine và lực lượng ly khai.

Ngoài ra, hồi tháng 9, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận thành lập các trung tâm đào tạo và bảo trì máy bay không người lái chung. Một tháng sau, tức tháng 10, Ukraine thông báo kế hoạch sản xuất máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ.

Công nghệ UAV Thổ Nhĩ Kỳ thành tâm điểm

Khả năng tác chiến bằng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên được cộng đồng quốc tế chú ý sau các chiến dịch thành công ở Syria và Libya.

Tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng UAV Bayraktar và Anka do chính nước này chế tạo để tiến hành hàng trăm cuộc tấn công vào Quân đội Ả Rập Syria vốn đe dọa liên quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại tỉnh Idlib.

UAV Bayraktar được trang bị đầy đủ vũ khí. Ảnh: CEEGEE – OWN WORK, 4.0 / WIKIMEDIA COMMONS

Tại Libya, các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy chiếm thủ đô Tripoli từ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) vốn nhận sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy vậy, trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh năm 2020 thì chương trình UAV của Thổ Nhĩ Kỳ mới thực sự trở thành tâm điểm.

Trong cuộc xung đột đó, Azerbaijan đã sử dụng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ để tiêu diệt các lực lượng Armenia, giành lại lãnh thổ mà nước này để mất năm 1994. Kể từ đó, một số quốc gia như Qatar, Morocco, Ba Lan, Tunisia và Kyrgyzstan đã bày tỏ sự quan tâm tới việc mua UAV Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngành công nghiệp UAV của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ năm 1975, khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ vì sự can thiệp quân sự của nước này tại Cộng hòa Síp (Cyprus). Lệnh cấm này được coi là một chấn thương chiến lược của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng UAV của Israel. Tuy nhiên, những cáo buộc về việc Israel có hành động phá hoại để khiến Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào nước này trong việc bảo dưỡng cùng những lo ngại rằng UAV Israel đang bí mật chuyển thông tin cho tình báo Israel đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải tự chủ về công nghệ máy bay không người lái.

3 lý do UAV Thổ Nhĩ Kỳ có thể không thành công tại Ukraine

UAV của Thổ Nhĩ Kỳ được xem có thể giúp thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, tác động của UAV Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị phóng đại vì ba lý do sau.

Thứ nhất, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020 là một chiến thắng không mấy vẻ vang cho Azerbaijan. So với Armenia, Azerbaijan có doanh thu khổng lồ từ dầu mỏ cùng với việc có các nhà cung cấp vũ khí đa dạng, chuyên nghiệp hóa quân sự và nguồn dự trữ nhân lực lớn hơn. Đây được cho là những yếu tố quan trọng hơn máy bay không người lái.

Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga. Ảnh: WIKIPEDIA

Còn trong trường hợp Ukraine, Nga có nguồn thu năng lượng khổng lồ, có ngành công nghiệp vũ khí tiên tiến, có các lực lượng vũ trang lớn hơn và cải cách quân sự lớn. Những yếu tố này tạo ra sự vượt trội đáng kể. Tuy nhiên, Nga không có khả năng can thiệp trực tiếp vào Ukraine trừ phi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công khai triển khai quân ở đó.

Hơn nữa, những khó khăn kinh tế của Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây được cho là yếu tố lớn nhất ngăn Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine.

Thứ hai, các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ có thể là “gót chân Achilles” của ngành công nghiệp UAV còn non trẻ của nước này. Sau cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020, Canada đã loại bỏ giấy phép cho phép xuất khẩu công nghệ UAV sang Thổ Nhĩ Kỳ

Thêm vào đó, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ đã kêu gọi đình chỉ xuất khẩu công nghệ UAV sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Lệnh cấm xuất khẩu của Canada và viễn cảnh Mỹ sẽ ban hành lệnh cấm tương tự đã khiến Trung Quốc có thể là lựa chọn thay thế khả thi duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm nguồn cung ứng công nghệ UAV quan trọng.

Bất kỳ sự phụ thuộc nào như vậy vào Trung Quốc có lẽ không được lòng Ukraine, khi Trung Quốc bị cáo buộc nhúng tay vào các thỏa thuận quốc phòng một chiều có lợi cho mình, đánh cắp công nghệ quân sự nhạy cảm của Ukraine và thực hiện các hành vi săn mồi để thâu tóm các công ty quốc phòng chiến lược của Ukraine.

Thứ ba, những cải tiến trong công nghệ chống UAV của Nga có thể làm mất đi lợi thế của UAV Thổ Nhĩ Kỳ tại Ukraine. Sau sự thể hiện kém của hệ thống phòng không Pantsir của Nga tại Libya và Syria, Nga đã nhanh chóng tiến hành nâng cấp.

Các nâng cấp cho hệ thống Pantsir bao gồm cải tiến tên lửa, khả năng tàng hình và chống gây nhiễu, radar kiểm soát hỏa lực và hệ thống theo dõi hồng ngoại. Ngoài ra, Nga cũng đã cải tiến năng lực tác chiến điện tử với trọng tâm là chống các cuộc tấn công bằng UAV được triển khai bầy đàn (drone swarm).

Điều đó cho thấy rằng công nghệ cải tiến như vậy có khả năng lọt vào tay lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, vô hiệu hóa bất kỳ lợi thế nào mà UAV Thổ Nhĩ Kỳ đạt được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm