Ly hôn chồng Hàn dễ trắng tay

Đó là nhận xét chung tại hội thảo diễn đàn pháp luật Việt-Hàn: “Từ văn hóa đến đầu tư” được tổ chức tại Trường đại học Luật TP.HCM hôm qua (21-8). Đây là hoạt động hợp tác giữa Đại học Luật TP.HCM và Khoa Luật Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) với những phân tích của nhiều giáo sư hàng đầu của đại học này.

Trắng tay vì không có quốc tịch!

Thạc sĩ Lê Vĩnh Châu - giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM cho biết: “Theo thống kê từ phía Hàn Quốc trong gần 20.000 cô dâu Việt lấy chồng và sinh sống tại Hàn Quốc, 50% có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, còn lại bị hắt hủi, đánh đập và có tới 14% cô dâu thường xuyên bị chồng hành hạ”.

Giáo sư Hwang Kyung Woong - giảng viên Khoa Luật Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) nói: “Theo quy định tại Hôn sự quốc tế Hàn Quốc thì một cô dâu Việt Nam phải sống liên tục ở quê chồng từ hai năm trở lên mới được nhập quốc tịch Hàn Quốc. Trường hợp đi đi về về thì phải có tổng cộng số ngày hơn một năm trong tổng thời gian ba năm”.

Theo giáo sư, điều này gắn với quyền lợi của phụ nữ Việt Nam khi ly hôn về vấn đề tài sản và con chung. Theo luật Hàn Quốc, khi phụ nữ Việt Nam không có quốc tịch Hàn Quốc thì chỉ những tài sản không phân biệt được là của ai mới là tài sản chung được tòa phân xử chia đôi. Còn những tài sản riêng sẽ thuộc về người đứng tên tài sản đó. Vì thế, hầu hết phụ nữ Việt Nam làm dâu xứ Hàn sau ly hôn sẽ trắng tay vì lý do không có quốc tịch. Đứa trẻ trong thời kỳ hôn nhân được đăng ký hộ khẩu theo cha và có quốc tịch Hàn. Hơn nữa, luật cũng quy định phụ nữ thường làm những việc gia đình nên không có vài trò gì trong tài sản chung của hai vợ chồng trong thời gian chung sống.

Theo giáo sư Kim Sang Yong - giảng viên bộ môn luật hôn nhân gia đình, Đại học Chung-Ang, Luật Gia đình của Hàn Quốc quy định rõ có hai hình thức ly hôn theo thỏa thuận và theo tòa giải quyết. Để thỏa thuận ly hôn, các cô dâu Việt Nam phải điền vào bảng hướng dẫn để lấy xác nhận của tòa án Hàn Quốc. Sau một tháng, xác nhận này có hiệu lực và việc ly hôn được tòa giải quyết. Trong trường hợp chồng chết thì phụ nữ Việt Nam có thể ly hôn khá dễ dàng nhưng tài sản sẽ được chia đều cho các con chung.

Cần thừa nhận môi giới hôn nhân

Thạc sĩ Lê Vĩnh Châu khẳng định: Vấn đề hôn nhân Việt-Hàn cần có sự quan tâm can thiệp từ phía nhà nước hai quốc gia. Từ đó thạc sĩ đề xuất nên quy định chặt chẽ hơn về độ tuổi, không để quá chênh lệch, lấy chồng quá già. Cạnh đó, nên có một khóa học về luật hôn nhân gia đình của hai nước và phong tục tập quán của Hàn Quốc cho các cô dâu trước khi lên xe hoa theo chồng.

Cũng theo thạc sĩ Châu, Việt Nam cần thừa nhận hoạt động môi giới hôn nhân, không cấm đoán mà sẽ quản lý bằng các quy định chặt chẽ. “Hiện nay chúng ta đang cấm nhưng thực tế, càng cấm càng phát triển” - thạc sĩ Châu nói.

Theo bà Trịnh Thị Bích - Trưởng phòng Hộ tịch-Lý lịch-Tư pháp-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, cần thành lập các trung tâm hỗ trợ kết hôn do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý theo nguyên tắc nhân đạo, phi lợi nhuận để hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn ngoại ngữ, phong tục tập quán... Đồng thời, có văn bản hướng dẫn cụ thể cơ sở pháp lý, làm căn cứ từ chối đăng ký kết hôn theo quy định tại Nghị định 68 của Chính phủ. Ngoài ra, tiếp tục cải tiến thủ tục đăng ký kết hôn, giải quyết ly hôn. Sở tư pháp, công an và các ngành liên quan tăng cường phối hợp trong thẩm tra xác minh để ngăn chặn trường hợp không đủ điều kiện kết hôn, xử lý nghiêm các đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp.

Một “động tác” nữa là tích cực tư vấn pháp luật cho phụ nữ nhập cư từ các tỉnh khác vào TP. Hai nước cũng cần phối hợp các biện pháp bảo hộ các cô dâu trong việc nhập quốc tịch và khi bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn như bị hất hủi hành hạ.

Giáo sư Hwang Kyung Woong thì ngắn gọn: “Cần nhất là phải phổ biến cho cô dâu Việt Nam những kiến thức cơ bản về pháp luật Hàn Quốc trước khi về nhà chồng!”.

Phát biểu tại hội thảo Hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM Mai Hồng Qùy cho biết sau hội thảo này trường sẽ cho soạn thảo một cuốn hướng dẫn pháp lý cho phụ nữ Việt Nam có ý định lấy chồng Hàn.

Nhiều hoạt động hỗ trợ hôn nhân Việt-Hàn

Đầu tháng 8 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký với phía Hàn Quốc một dự án trị giá 3,5 triệu USD để hỗ trợ các cô gái Việt muốn lấy chồng Hàn. Hội cũng phối hợp với tổ chức di dân quốc tế tập huấn về hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại một số tỉnh phía Nam.

Cuối năm 2008, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc sẽ sang Việt Nam phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn về vấn đề hôn nhân Việt-Hàn.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm