Ly hôn không phải là dấu chấm hết

Ý nghĩ ly hôn bắt đầu xuất hiện khi những bất mãn nảy sinh trong cuộc sống chung. Tuy nhiên, đó phải là những bất mãn vô cùng lớn, kéo dài, lặp đi lặp lại mới khiến những người vốn yêu thương nhau hết lòng phải quay mặt lại với nhau.

Cho dù khi quyết định ly hôn, người ta đang muốn giải phóng mình khỏi bất mãn và khổ sở nhưng khi hạ bút, cảm giác đau đớn tưởng chừng có thể giết chết người ta vẫn xuất hiện.

Làm thế nào để “sống sót” sau ly hôn, đó là nỗi lo lắng thực sự của những người ở trong hoàn cảnh đáng buồn này.

Có nhiều cách để ly hôn

Ly hôn là một quá trình gây ra những tàn phá rất rõ ràng trên cơ thể bạn, nó hủy hoại cảm xúc, thể chất, lòng tự trọng, niềm tin, công việc và rất nhiều mối quan hệ đi kèm của bạn.

Một cuộc chia ly đồng thuận trong yên bình hay cuộc chiến đầy giằng co, ồn ã đều phụ thuộc ở cách xử lý vấn đề của bạn.

Cái giữ được và cái sẽ mất đi mãi mãi sau ly hôn phụ thuộc rất lớn vào cách ứng xử của các đương sự. Càng ôn hòa thì mất mát, tổn thương sẽ càng vơi nhẹ. Cho đến sau này khi nhìn lại, bạn sẽ không hối tiếc vì đã giận quá mất khôn. Mất đi một người chồng/vợ là quá đủ cho sự cố này rồi.

Tiền bạc không phải là vấn đề lớn

Không chỉ các vấn đề thủ tục, hành chính và những chi phí đi kèm khi ly hôn. Ngoài những điều đó, việc phân chia tài sản, công việc kinh doanh chung (nếu có) cũng sẽ bị ảnh hưởng và khiến bạn mất đi một nguồn thu nhập đáng kể.

Khi đang gánh nặng vì tổn thương tình cảm, việc ảnh hưởng kinh tế lúc này càng dễ khiến bạn ngã quỵ. Hãy nhớ rằng còn rừng thì không lo không có củi đốt. Bạn còn sức khỏe, thời gian, nhiều cơ hội khác vẫn do bạn quyết định.

Mặc dù ly hôn giống như một cơn ác mộng không bao giờ kết thúc, bao trùm bóng đen lên toàn bộ đời sống của bạn nhưng hãy coi đó như cái giá phải trả để tìm lại tự do cho chính mình.

Dành thời gian để bảo vệ con cái hết mức

Khi đã có con, chuyện ly hôn sẽ phức tạp hơn rất nhiều lần vì người lớn đều không muốn tổn thương trẻ. Điều này hoàn toàn đúng vì chuyện cha mẹ ly hôn là một đả kích rất lớn đối với các con, dù chúng có thể đã trưởng thành.

Trong khi bọn trẻ đang bối rối và sợ hãi, tâm trạng cay đắng, nổi loạn của người lớn sẽ khiến họ quên mất các đối tượng cần bảo vệ lúc này chính là con mình.

Ảnh minh họa

Khi ở bên bọn trẻ, hãy gác lại các vấn đề của người lớn. Dù có thể cuối cùng bạn và cha/mẹ chúng vẫn chia tay nhưng đừng khiến chúng thêm khốn khổ vì chứng kiến cuộc chiến của hai người, càng không bao giờ nên giận cá chém thớt.

Hãy nghĩ tới tương lai

Lúc này điều dằn vặt nhất là những câu hỏi “tại sao tôi gặp phải chuyện này”, “vì sao tôi phải ly hôn”… việc đặt những câu hỏi này chỉ càng khiến tâm trạng thêm nặng nề, đau đớn.

Giữa sự hỗn loạn của hàng loạt cảm xúc tiêu cực, điều khó khăn nhất nhưng cần thiết nhất là hãy nghĩ đến tương lai của chính mình. Để phục hồi sau cú sốc cần có một kế hoạch nghiêm túc thực sự.

Sau khi ly hôn công việc bạn sẽ thế nào, bạn ở đâu, bạn sẽ lo cho con cái bạn thế nào, tài sản có được trong tay là gì và bạn sẽ làm gì khi tự do. Hãy hiểu chia tay theo một cách tích cực là từ nay ta sẽ có toàn quyền làm mọi điều mình thích, mình mong muốn. Vậy ta sẽ làm gì để bản thân có lợi và vui vẻ nhất?

Sau ly hôn, người ta hoàn toàn có thể tạo ra cho mình một cuộc sống mới mà không phá hủy chính bản thân trong quá trình này. Không phải chưa từng có trường hợp người ta hạnh phúc hơn sau ly hôn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới