Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú mới đây khẳng định tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan này mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng.
Thế nhưng gần đây trên thị trường xuất hiện hàng loạt CTTC tiêu dùng giả mạo thực hiện việc cho vay, đòi nợ gây bức xúc dư luận, người vay tiền.
Nở rộ CTTC tiêu dùng dỏm
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay không ít công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ hay các công ty fintech (công nghệ tài chính)… cho vay qua online hoặc các app (ứng dụng). Các công ty này tự đặt tên mập mờ là CTTC.
Những công ty này không phải do NHNN cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng nhưng lại ngang nhiên cho vay, dễ gây hiểu nhầm như CTTC do NHNN cấp phép.
Tình trạng trên khiến không ít người bị lừa mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Các công ty tài chính được cấp phép luôn cảnh báo nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy. |
Kể lại câu chuyện sập bẫy tín dụng đen của mình, chị Mai Hà (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: Do cần tiền gấp nên chị gọi điện thoại cho một dịch vụ cho vay tiêu dùng qua app. Theo quảng cáo, khách hàng chỉ cần khai báo thông tin cá nhân trên app và sẽ nhận được tiền qua tài khoản sau khi lãnh đạo thẩm định hồ sơ.
Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau khi hoàn tất các bước thủ tục, chị nhận được cuộc gọi từ một người tự giới thiệu là nhân viên của app mà chị đang cần vay thông báo hồ sơ vay bị lỗi “chuyển tiền quá nhiều lần” và yêu cầu chị chuyển tiền lại để xác minh.
“Do tin tưởng, tôi đã chuyển tổng cộng 25 triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng do họ cung cấp. Ngay sau khi nhận được tiền, họ cắt đứt mọi liên hệ. Tới lúc này tôi mới té ngửa app cho vay đó không phải của CTTC được NHNN cấp phép mà chỉ là app lừa đảo có tên gần giống một CTTC mà thôi” - chị Mai Hà kể.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc CTTC HD SAISON, cho biết hiện nhu cầu vay tiêu dùng của người dân luôn tồn tại và nhu cầu này có dư địa khá lớn. Nói cách khác, tài chính tiêu dùng là giải pháp tài chính gắn liền với đời sống của người dân, đáp ứng nhu cầu vay cấp thiết của người dân, nhất là nhóm đối tượng người dân yếu thế dễ bị tác động khi các yếu tố khách quan thay đổi. Điển hình như nhóm lao động phổ thông, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện rất nhiều kẻ giả mạo nhân viên của CTTC tung ra các chiêu trò lừa đảo, thu lợi bất chính. Khi chẳng may sập bẫy các CTTC giả mạo, người tiêu dùng có thể phải đối mặt với rủi ro như mất tiền, phát sinh nợ xấu do đối tượng lừa đảo mạo danh vay tiền ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Thậm chí, người vay có nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu tài khoản bị lạm dụng vào các mục đích phi pháp.
Ví dụ, tháng 6 vừa qua, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã phải lên tiếng về vụ lừa đảo của một công ty trong nước lấy tên Công ty CP Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam. Ngân hàng HSBC Việt Nam khẳng định không có mối liên hệ với công ty này.
Những chiêu trò của các CTTC giả mạo
Thủ đoạn mà những kẻ giả mạo CTTC thường sử dụng để lừa đảo người tiêu dùng là đánh vào tâm lý muốn được vay với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn. Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng và CTTC liên tục cảnh báo về thủ đoạn mà nhóm lừa đảo thường dùng để lừa đảo, giúp khách hàng tránh tiền mất tật mang.
Cùng với app vay giả mạo công ty tài chính thì tín dụng đen cũng bủa vây người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Chẳng hạn CTTC MTV Cộng đồng (FCCOM) mới đây cảnh báo hiện tượng đối tượng tạo các website, app vay tiền giả mạo thương hiệu của FCCOM hoặc giả mạo là nhân viên của công ty và yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ vay vốn như bình thường.
Sau đó lấy lý do cần phải chuyển khoản trước một số tiền nhất định rồi mới được vay vốn, những kẻ lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc của bên thứ ba.
Tương tự, mới đây CTTC Toyota Việt Nam (TFSVN) lên tiếng cảnh báo về việc hiện nay trên thị trường nhiều đối tượng sử dụng các thủ đoạn giả mạo thương hiệu TFSVN, với nội dung quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội như “tuyển cộng tác viên làm việc qua ứng dụng TikTok, chỉ cần có điện thoại, xem video, like, thả tim, thực hiện các thao tác của công ty đưa ra để nhận hoa hồng đến vài trăm ngàn đồng mỗi ngày”.
Các đối tượng giả mạo còn sử dụng thủ thuật tinh vi bằng cách lập fanpage, website, Zalo… và sử dụng những thông tin cố ý gây nhầm lẫn cho khách hàng như logo hoặc tên fanpage gần giống, tên đảo ngữ... Chưa hết, nhằm gia tăng niềm tin cho khách hàng, đối tượng giả mạo còn dùng chiêu trò cung cấp các chứng từ mạo danh như hợp đồng cam kết khách hàng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giả…
Đặc biệt sau khi tiếp cận khách hàng, các đối tượng sử dụng SIM, tài khoản Zalo, Messenger để hướng dẫn khách hàng truy cập đường link lạ và tải ứng dụng tài chính với thiết kế logo và tên gọi nhái theo chính chủ.
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, những kẻ lừa đảo sẽ gửi giấy tờ giả để làm cơ sở thuyết phục nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp với lý do như chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin…
Nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh
Theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 9 vừa qua, dư nợ cho vay tiêu dùng của các CTTC tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021. Con số này chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.Nhận định về hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Tính đến nay thị trường Việt Nam đã có 16 CTTC được NHNN cấp phép hoạt động phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các CTTC tiêu dùng.
Hiện nay xã hội đang có sự lẫn lộn, người dân không phân biệt đâu là chính thức, đâu là phi chính thức, thậm chí đâu là vi phạm pháp luật. Cũng có nhiều công ty có tên là tài chính thành lập cấp phép đầu tư theo chính quyền tại địa phương nhưng không được cấp phép tiền tệ ngân hàng và không được NHNN cấp phép, lại tham gia cho vay qua app để lại nhiều hệ lụy.
Để đảm bảo an toàn thông tin và tài sản của khách hàng, TFSVN khẳng định không liên quan hay hợp tác với các đối tượng tuyển dụng cộng tác viên làm việc qua ứng dụng TikTok. Đồng thời, đơn vị này cũng không quản lý hoặc không cấp phép cho bất kỳ đại lý, đơn vị nào sử dụng hình ảnh, thương hiệu của mình để thực hiện tuyển dụng cộng tác viên.
Do đó, nếu nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên ngưng giao dịch, không cung cấp thông tin và giấy tờ cá nhân, đặc biệt là không thực hiện hành động chuyển tiền.
Thông tin thêm về thủ đoạn của các CTTC dỏm, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit, cho biết: Chúng giả mạo bằng những cái tên gây nhầm lẫn như “ép i” credit, không xưng tên cụ thể, mà xưng CTTC chung chung. Thậm chí còn tự xưng danh là nhân viên CTTC chính thống gọi điện thoại để đòi nợ. Điều này khiến người dân bị nhầm lẫn. Lại có trường hợp khách hàng phản ánh vì nghe thấy… chữ credit nên tự mặc định là FE Credit. Trong khi đó, có hàng ngàn app cho vay có đuôi chữ credit.•
Mạo danh để kêu gọi đầu tư tài chính, huy động tiền
. Đòi nợ kiểu khủng bố, 13 người bị bắt về tội vu khống.
Công ty TNHH Medtronic Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe cho biết: Thời gian gần đây đã nhận được nhiều phản ánh từ các cá nhân về việc có các website và app sử dụng tên gọi của Tập đoàn Medtronic để kêu gọi đầu tư tài chính, huy động tiền của người tham gia trên các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok, Zalo và Telegram.
Công ty TNHH Medtronic Việt Nam khẳng định đơn vị này không liên quan đến hoạt động kêu gọi đầu tư tài chính và huy động tiền qua các trang mạng, ứng dụng mạo danh Medtronic nêu trên. Tại Việt Nam, Mỹ và trên toàn cầu, Tập đoàn Medtronic không kinh doanh tài chính, không thiết lập và vận hành các trang mạng, ứng dụng để kêu gọi người sử dụng đầu tư tài chính.
“Việc sử dụng tên gọi “Medtronic” trên các trang mạng và ứng dụng mạo danh hoàn toàn không được sự cho phép của Tập đoàn Medtronic, là hành vi trái pháp luật”.
+Ngày 20-11, Công an TP.HCM thông tin về vụ án vu khống để đòi nợ tại CTTC TNHH MTV Mirae Asset.
Theo đó, cơ quan công an xác định CTTC TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở quận 1, do L.J. (quốc tịch Hàn Quốc) làm tổng giám đốc.
Công an ập vào trụ sở công ty ở quận 4 thực hiện việc khám xét. Ảnh: CA |
Khi khách hàng vay tiền phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân và chịu mức lãi suất 55%/năm. Khi đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ.
Đặc biệt, với nhóm nợ trên 180 ngày sẽ bị gọi điện thoại, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt ảnh người vay, người thân ghép vào ảnh cáo phó, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng nợ, người thân, đồng nghiệp của họ qua Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay trả nợ.
Quá trình đấu tranh, thu thập chứng cứ, công an đã khởi tố, bắt tạm giam 13 bị can về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự. PV