Mắc bệnh Whitmore, nữ sinh 15 tuổi tử vong

(PLO)- Ngày 19-9, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thông tin nữ bệnh nhân 15 tuổi, trú tại huyện Quảng Xương, mắc bệnh Whitmore đã tử vong.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đánh giá của bác sĩ, bệnh nhân bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận, có bệnh lý kèm theo là tiểu đường và béo phì.

Tại Bệnh viện (BV) Nhi Thanh Hóa, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết. Tuy nhiên, diễn biến bệnh nhân ngày càng nặng và đã tử vong vào chiều ngày 17-9.

benh-Whitmore-gay-tu-vong.jpg
Nữ sinh mắc bệnh Whitmore đã tử vong sau một thời gian tích cực điều trị.

Trước đó, theo Thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa, địa phương ghi nhận trường hợp một nữ bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Đây là trường hợp đầu tiên mắc căn bệnh này được phát hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Qua khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhân cho biết, từ ngày 22-8 đến 30-8, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt 7kg trong vòng 10 ngày. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.

Ngày 1-9, bệnh nhân được đưa đến Phòng khám tư nhân trên địa bàn, khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng tình trạng bệnh vẫn không giảm. Bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém.

Sau đó, bệnh nhân được đưa đến BV 71 Trung ương khám và điều trị với lý do sốt nóng từng cơn, nhiệt độ dao động 39 - 40 độ C, người mệt mỏi.

Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cơ bản, chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút.

Sau 2 ngày điều trị không khỏi, bệnh nhân được chuyển đến BV Nhi Thanh Hóa trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, thở oxy, đường thở tăng tiết đờm, chảy máu chân răng, thở nấc, đồng tử 2 bên 3mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu, phổi thông khí 2 bên giảm.

Các xét nghiệm Bạch cầu, Hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu đều tăng cao; xét nghiệm cấy máu kết quả có vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

benh-Whitmore.jpg
Bệnh Whitmore gây ra bởi vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. (Ảnh minh họa)

Với tỷ lệ tử vong lên đến 40 - 60%, bệnh Whitmore được Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng.

Thông thường, phải mất từ 2 – 4 tuần để các triệu chứng xuất hiện sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Ở một số trường hợp cá biệt, triệu chứng xảy ra ngay sau vài giờ hoặc có khi nhiều năm sau khi nhiễm khuẩn. Cũng có một số ít người mắc bệnh mà không có biểu hiện nào.

Khuẩn gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất, hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 11).

Bệnh Whitmore không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh Whitmore, cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm ruộng, trước khi ăn.

Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng; không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động như: giày, ủng, găng tay... đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh.

Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm