Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 4-10 đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Myanmar không hợp tác với một đặc phái viên của ASEAN, đồng thời cảnh báo người đứng đầu quân đội nước này có thể bị loại khỏi hội nghị thượng đỉnh sắp tới của khối.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chịu áp lực phải giải quyết hậu quả cuộc chính biến hồi tháng 2 ở Myanmar và cuộc đàn áp sau đó của chính quyền quân sự đối với những người bất đồng chính kiến vốn đã khiến hơn 1.100 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh: THE MALAYSIAN RESERVE
Các thành viên của ASEAN đã thúc đẩy chấm dứt những rắc rối hiện hữu, và đã nhất trí chọn một quan chức Brunei làm đặc phái viên đến Myanmar để gặp gỡ các phe phái đối lập.
Tuy nhiên, sự miễn cưỡng rõ ràng của phía Myanmar trong việc cho phép đặc phái viên ASEAN tiếp cận nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi đã khiến Malaysia tức giận trong cuộc điện thọai video giữa các ngoại trưởng ASEAN hôm 4-10.
“Chúng tôi rất thất vọng vì chính quyền Myanmar đã không hợp tác với Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar” – hãng tin AFP dẫn lời ông Saifuddin Abdullah nói trên Twitter.
“Trừ phi có tiến bộ, sẽ rất khó để Chủ tịch SAC (tức Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar do quân đội nước này lập ra sau chính biến) có mặt tại Hội nghị Cấp cao ASEAN” – Ngoại trưởng Malaysia nói thêm, ý đề cập Thống tướng Min Aung Hlaing.
Các nhà lãnh đạo của khối ASEAN sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 10.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói trên Twitter rằng các quan chức đã thúc giục Myanmar làm việc với Đặc phái viên ASEAN trong cuộc gọi.
Sau nhiều tháng đàm phán, Ngoại trưởng thứ hai của Brunei – ông Erywan Yusof hồi tháng 8 đã được chọn làm đặc phái viên của ASEAN, nhưng Myanmar vẫn chưa cho biết chi tiết về chuyến thăm dự kiến của ông đến quốc gia này.
Giữa tuần trước, một phát ngôn viên của quân đội Myanmar cho biết sẽ rất “khó khan” để Đặc phái viên ASEAN trao đổi với những người bị xét xử, và rằng chính quyền quân sự Myanmar cởi mở hơn với những cuộc gặp với “các tổ chức chính thức”.
Cựu Cố vấn Nhà nước Myanmar Suu Kyi, năm nay 76 tuổi, là nhà lãnh đạo trên thực tế tại Myanmar trước khi bị lật đổ và bắt giữ trong cuộc chính biến hồi tháng 2. Bà bắt đầu bị đưa ra xét xử vào tháng 6.
Bà Suu Kyi phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc bao gồm vi phạm quy định phòng chống COVID-19, nhập khẩu bộ đàm trái phép, kích động nổi loạn và nhận hối lộ.
Nếu bị tuyên có tội với tất cả cáo buộc trên, bà Suu Kyi có thể phải ngồi tù nhiều chục năm.
Cũng hôm 4-10, hãng tin Reuters dẫn lời ông Khin Maung Zaw, luật sư của bà Suu Kyi, cho biết bà thân chủ của ông nộp đơn xin giảm tần suất hầu tòa xuống hai lần một tuần thay vì hàng tuần như hiện tại vì “vấn đề sức khỏe”.
Sau khi chịu thêm cáo buộc tham nhũng vào tuần trước, bà Suu Kyi phải xuất hiện hầu hết các ngày trong tuần tại phòng xử án ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar.
Ông Khin Maung Zaw cho biết sức khỏe của bà Suu Kyi không có gì đáng lo ngại và bà cũng không mắc bệnh. Tuy nhiên, các phiên tòa đã khiến bà mệt mỏi. Ông Khin Maung Zaw nói thêm rằng thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết về yêu cầu của bà Suu Kyi vào tuần tới.
Chính quyền quân sự Myanmar đã hứa sẽ tổ chức bầu cử và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào tháng 8-2023.