Theo báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM công bố sáng nay 31-3 cho thấy trong ba tháng đầu năm, kinh tế TP tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, đạt 7,46% (cùng kỳ tăng 7,08%).
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trong đó vốn đầu tư đưa vào thực hiện đạt 9.441 tỉ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ. Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, trong ba tháng đầu năm TP thu hút được 574,71 triệu USD (tăng 56,7% so với cùng kỳ).
Tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia có vốn đầu tư FDI chiếm tỉ trọng lớn nhất trên địa bàn TP với tỉ lệ đạt 33,3% tương đương với 44,29 triệu USD. Tiếp theo là Nhật Bản chiếm 22% với 29,19 triệu USD; Hà Lan chiếm 12% với 16 triệu USD; Thái Lan chiếm 8% với 10,64 triệu USD.
Quận Tân Bình hiện là địa bàn thu hút vốn đầu tư nhiều nhất (44,2%) với 58,91 triệu USD; tiếp theo là quận 1 chiếm 27,1% với 36,1 triệu USD; huyện Nhà Bè chiếm 8,8% với 11,7 triệu USD; quận 7 với 5,28 triệu USD chiếm 3,9%.
Trong số các ngành thu hút nhiều đầu tư nước ngoài như sửa chữa ô tô xe máy, công nghệ chế biến, thông tin truyền thông..., thì ngành xây dựng của TP thu hút 10,32 triệu USD, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong quý I tiếp tục ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, khách hàng và người dân.
Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 3 đạt 1.795.200 tỉ đồng, tăng 1% so cuối năm 2016 và tăng 11,1% so cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với ngoại tệ và chiếm tỉ trọng chủ yếu trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm hơn 87,47% tổng nguồn vốn huy động.
Tỉ lệ nợ xấu đến cuối tháng 01/2017 là 4,09% trong tổng dư nợ, tăng 0,05% so cuối năm 2016 (chiếm 4,04%).