Ngày 23 – 2, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư thống kê, trong hai tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 345,5 triệu USD vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư FDI và tăng gần 12 lần so mức 29,07 triệu USD của cùng kỳ 2016.
Trong 2 tháng đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài đã cấp mới cho 11 dự án bất động sản với số vốn đăng ký 308,95 triệu USD. Có hai dự án tăng vốn và có 14 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị gần 59 triệu USD.
Bất động sản đang kênh đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài
Hoạt động xây dựng cũng thu hút được 50 triệu USD, tăng gần 60% so cùng kỳ 2016. Trong đó, có 20 dự án được cấp mới với tổng vốn 17,55 triệu USD. Sáu dự án tăng vốn thêm 7,1 triệu USD. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng có 36 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị 25,38 triệu USD.
Một số dự án xây dựng lớn được cấp phép như Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III với tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương.
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd của Trung Quốc đầu tư tại Bắc Giang.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 2 tháng đầu năm 2017 tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỉ USD. Con số này tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể, tính đến ngày 20 – 2, cả nước có 22.904 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 297 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài đạt 156,35 tỉ USD.
Hiện tại, đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 50,98 tỉ USD. Nhật Bản đứng thứ hai với 42,49 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông…
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam do nhìn thấy triển vọng của thị trường. Hơn nữa, Việt Nam cũng là điểm đầu tư rất an toàn và sinh lợi tốt.
Ngoài ra, Thông tư 06 sửa đổi đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành sẽ siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hợp tác với các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài để tìm nguồn vốn có lãi suất rẻ và dồi dào hơn để làm dự án.
“Đây là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản. Doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài và người mua nhà sẽ được hưởng lợi”, ông Châu nói.