“Tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô diễn ra ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cấp nước cho TP.HCM. Từ đầu năm đến nay, mặc dù đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhưng tổng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn như các nhà máy phải ngưng lấy nước thô trong nhiều thời điểm do độ mặn vượt mức cho phép, chi phí vận hành sản xuất nước sạch gia tăng” - ông Hồ Văn Lâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), cho biết.
Ngưng lấy nước do mặn vượt mức
Theo Sawaco, từ đầu năm 2016 đến nay, khô hạn trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Trong khi đó, lượng nước ở hồ Dầu Tiếng (thượng nguồn sông Sài Gòn) chỉ tích được 76%, hồ Trị An (sông Đồng Nai) tích trữ được khoảng 80% nên lưu lượng nước các sông Sài Gòn, Đồng Nai giảm theo. Vì vậy, các hồ đang thiếu nước để xả đẩy mặn.
Kết quả theo dõi tại trạm bơm nước thô Hòa Phú (sông Sài Gòn, huyện Củ Chi) cho thấy từ cuối tháng 1-2016 đến nay, độ mặn thường xuyên trên ngưỡng 150 mg/lít. Đặc biệt, có những thời điểm độ mặn vượt 250 mg/lít nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài 2-3 giờ buộc Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) phải ngừng lấy nước thô tổng cộng 15 giờ.
Xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai cũng ảnh hưởng trực tiếp khiến trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Bình An (cầu Đồng Nai, Biên Hòa) nhiều lúc phải tạm ngừng lấy nước thô. Tương tự, tại khu vực cầu Hóa An (vị trí khai thác nước thô của các nhà máy nước Thủ Đức, BOO Thủ Đức, Thủ Đức 3) độ mặn cũng có xu hướng tăng cũng gây ra nhiều khó khăn cho vận hành, sản xuất.
Sawaco dự báo hiện tượng El Nino và xâm nhập mặn có thể sẽ kéo dài đến hết mùa khô năm 2016 nên có thể tiếp tục gây ra những tác động xấu đến hệ thống cấp nước của TP.HCM đến tháng 4-2016. “Về lâu dài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát cũng sẽ dẫn tới các tác động bất lợi như thiếu nước, suy giảm chất lượng nước, gia tăng chi phí sản xuất... sẽ ngày càng nghiêm trọng” - Sawaco lo ngại.
Kiểm tra chất lượng nước thô ở khu vực lấy nước Nhà máy nước Tân Hiệp. Ảnh: TRUNG THANH
Đã có dấu hiệu yếu, thiếu nước
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, trước tình trạng mặn xâm nhập sâu, Nhà máy nước Tân Hiệp đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa xả nước đẩy mặn để cứu nguy.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, hồ này đã sáu lần xả lũ đẩy mặn trên sông Sài Gòn. Mới nhất là đợt xả lũ diễn ra vào ngày 18-3, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 22-3 với lưu lượng 20 m3/giây. Tuy nhiên, năm nay do trữ lượng nước ở hồ thấp nên chỉ có thể xả thêm khoảng 350 triệu m3 nữa là đến mực nước chết. Vì thế, nếu tình trạng xâm nhập mặn còn kéo dài, có thể xảy ra tình trạng không đủ nước để đẩy mặn.
Trước thực tế này, Sawaco đưa ra nhiều giải pháp trước mắt như đang cải tiến công nghệ xử lý nước, nâng dung tích của các công trình chứa nước sạch, tăng thời gian dự trữ nước. Ngoài ra, trong năm 2016 Sawaco sẽ xây dựng một bể chứa nước sạch 100.000 m3 tại Nhà máy nước Thủ Đức. Về lâu dài, Sawaco sẽ xây dựng các hồ dự trữ nước thô nhằm đảm bảo khả năng trữ nước cung cấp cho nhà máy nước trong thời gian xảy ra ô nhiễm, xâm nhập mặn…
Sawaco khẳng định đơn vị đã chủ động nhiều biện pháp nên đến thời điểm hiện nay Sawaco vẫn đảm bảo được lưu lượng, áp lực và chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân TP.HCM. Sawaco cũng kêu gọi người dân TP.HCM tiết kiệm nước sinh hoạt.
Dù vậy, theo phản ánh của người dân, trong những ngày qua ở các khu vực cuối nguồn như các quận 7, 12, huyện Nhà Bè… áp lực nước vào những ngày cuối tuần rất yếu. Những hộ dân ở cuối hẻm thường bị thiếu nước sinh hoạt vào những giờ cao điểm, nhất là lúc chiều tối.
Cách nào cứu nguy cho cấp nước Sài Gòn?
Nhà máy nước sinh hoạt ở Bình Dương cùng lấy nước thô trên sông Sài Gòn và Đồng Nai nhưng trái ngược với TP.HCM. Ngày 20-3, ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và môi trường Bình Dương (Biwase), cho hay từ đầu năm đến nay, hoạt động cấp nước ở tỉnh Bình Dương vẫn diễn ra bình thường.
“Chúng tôi có một nhà máy lấy nước thô gần điểm lấy nước của Nhà máy nước Tân Hiệp (TP.HCM). Vào những ngày sông Sài Gòn nhiễm mặn cao, nhà máy cũng ngưng lấy nước vài giờ. Tuy nhiên, chúng tôi còn có nhiều nhà máy lấy nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai nên không xảy ra thiếu nước” - ông Thiền nói.
Trả lời câu hỏi giả sử TP.HCM thiếu nước sinh hoạt, Bình Dương có thể chi viện hay không, ông Thiền khẳng định: “Đến nay chúng tôi chưa nhận được đề nghị nào từ phía TP.HCM, nhưng nếu cần thì chúng tôi hoàn toàn có thể cung cấp nước sạch với giá sỉ hợp lý. Biwase có nhiều nhà máy lấy nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai (chưa bị nhiễm mặn) và cũng có hệ thống mạng lưới cấp nước tương đối hoàn chỉnh. Do đó, nếu TP cần mua nước sạch, Biwase có thể dùng đường ống đưa nước qua khu vực ngã tư Bình Phước (nơi tiếp giáp giữa Bình Dương và TP.HCM) rất thuận tiện”.
Ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước Sở GTVT TP.HCM, cho rằng mua nước từ Bình Dương là phương án khá hay nhưng lâu nay chưa thấy đơn vị nào đề cập. “Theo tôi, trong các phương án ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, nên đưa thêm phương án mua nước từ Bình Dương. TP.HCM nên làm việc với phía Bình Dương xem cách thức thực hiện cụ thể ra sao. Nếu lấy nước từ Bình Dương với giá cả hợp lý thì đây là phương án rất khả thi” - ông Mãnh đánh giá.
Xây hồ trữ nước, bể chứa và trạm bơm Sawaco cho rằng cần xây hồ trữ nước thô để duy trì ổn định hoạt động của các nhà máy khi nước mặn xâm nhập hoặc ô nhiễm. Theo đó, giai đoạn 2016-2017 xây một hồ trữ nước thô có dung tích 1,35 triệu m3 (trên diện tích 23 ha, ở huyện Củ Chi) sẽ cung cấp nước cho Nhà máy nước Tân Hiệp dù xâm nhập mặn và ô nhiễm xảy ra trên sông Sài Gòn 1-3 ngày. Nếu được thì mở rộng hồ này đến 400 ha, chứa 20 triệu m3 cấp nước liên lục dù mặn kéo dài vài tuần. Sawaco cũng đề nghị được lấy nước thô từ hồ đầu nguồn như Dầu Tiếng, Phước Hòa (cho Nhà máy nước Tân Hiệp có công suất 1 triệu m3/ngày) và hồ Trị An (cho cụm Nhà máy nước Thủ Đức, tổng công suất 2,5 triệu m3/ngày). Trước mắt, Sawaco nâng dung tích chứa nước sạch tại các nhà máy nước, đảm bảo hoạt động 6-7 giờ khi nguồn nước gián đoạn. Ngoài ra, Sawaco chuyển đổi tám thủy đài hình nấm sang các bể chứa nước ngầm chứa nước sạch… GN 1,8 triệu m3/ngày là tổng công suất sản xuất nước sạch ở các nhà máy nước của TP.HCM hiện nay. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, nhanh chóng xây dựng xong các giải pháp phòng tránh, ứng phó xâm nhập mặn trước ngày 25-3 để người dân không lo thiếu nước sạch. |