Hơn 20 năm đánh bắt cá trên sông Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Gấm nhận thấy vài năm trở lại đây dòng sông khu vực gần cầu Hóa An có những biến đổi bất thường, khi thì nước rút cạn khô, khi nước lại dâng cao quá mức. “Nước sông bây giờ cũng mặn hơn trước, cá tôm ít dần, dân đánh cá tụi tôi cũng khó sống hơn” - ông Gấm lo lắng.
Đã có lúc phải dừng cấp nước
Đoạn sông Đồng Nai nói trên cũng là nơi đang cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước của TP.HCM. Vì thế, những diễn biến bất thường của dòng sông, nhất là tình trạng nhiễm mặn sẽ khiến hoạt động cấp nước cho TP.HCM bị ảnh hưởng theo.
“Khi nguồn nước thô bị nhiễm mặn với nồng độ cao, các nhà máy cấp nước phải dừng lấy nước mặt vì không có khả năng xử lý nước nhiễm mặn. Đã có thời điểm nguồn nước thô bị nhiễm mặn cao khiến hoạt động cấp nước cho TP.HCM bị ngưng trệ trong vài giờ” - Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết trong công văn gửi Pháp Luật TP.HCM.
Theo Sawaco, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là hai nguồn cung cấp nước mặt chính phục vụ cho hoạt động cấp nước của TP. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các số liệu quan trắc cho thấy một số chỉ tiêu nước thô lấy từ hai con sông này không còn đáp ứng được theo quy chuẩn cấp nước. Cụ thể, có thời điểm độ mặn vượt quá 25 mg/lít. Mức độ ô nhiễm cũng ngày một tăng cao và có chiều hướng diễn biến ngày càng xấu, các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh như E. Coli, Coliform ngày càng cao.
Sawaco cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động không nhỏ đến hoạt động cấp nước: “BĐKH đã gây ra một số biểu hiệu bất thường như nắng hạn kéo dài vào mùa khô. Mùa mưa thì ngập lụt thường xuyên, cuốn theo các nguồn ô nhiễm từ thượng nguồn về làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước thô ở hạ nguồn. Các kịch bản về chống ngập của TP cũng đã chỉ ra BĐKH sẽ càng phức tạp hơn trong thời gian tới”.
Chất lượng nguồn nước thô trên sông Đồng Nai không đảm bảo đang gây khó khăn cho hoạt động cấp nước của TP.HCM. Ảnh: KB
Khó khăn tìm nguồn nước thay thế
Trước tình trạng trên, lo ngại TP có thể rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng như tỉnh Kiên Giang mới đây, Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TP.HCM đã kiến nghị UBND TP cần thực hiện nhiều giải pháp thích ứng kịp thời như xây hồ chứa nước ngọt, chuyển đổi nguồn cấp nước…
Vậy việc tìm nguồn cấp nước mới cho TP đã, đang và sẽ được thực hiện ra sao? Sawaco cho biết từ năm 2012 công ty đã chủ động xây dựng đề cương “Bảo vệ và ứng phó với những thay đổi về chất lượng nước”, phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu tìm giải pháp. “JICA gợi ý khai thác nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh, Bình Dương), Trị An (Đồng Nai). Tuy nhiên, bước đầu nghiên cứu cho thấy chi phí đầu tư cho phương án này rất lớn, tính chủ động cũng không cao vì phải phụ thuộc vào các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đầu nguồn. Do đó đây chưa thể là lựa chọn tối ưu” - Sawaco phân tích.
Ngoài phương án khai thác nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, Trị An, Sawaco còn phối hợp với Công ty Vitens Evides Internettional của Hà Lan nghiên cứu xây hồ dự trữ nước thô kết hợp với tiền xử lý. Hồ này dự tính sẽ xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi. Theo Sawaco, đây là phương án bền vững đảm bảo năng lực thích ứng với BĐKH và đã được nhiều đơn vị cấp nước trên thế giới lựa chọn.
Dù đã triển khai từ năm 2012, song đến nay phương án xây hồ nêu trên vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu. Sawaco cho biết nguyên nhân là do gặp các khó khăn như về quỹ đất, tài chính, kỹ thuật, nhân lực…
Tăng thêm nguồn cấp nước cho TP.HCM Để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân TP, Sawaco đang áp dụng các biện pháp dùng nguồn nước ở các hồ thượng nguồn để đẩy mặn (giảm mặn) và pha loãng (giảm ô nhiễm) cho nguồn nước thô trên sông Sài Gòn - Đồng Nai. Bên cạnh đó, công ty cũng nâng cấp công nghệ, tự động hóa một số quy trình xử lý nước… Sắp tới Sawaco cũng sẽ tăng thêm nguồn cấp nước cho TP.HCM. Cụ thể, Nhà máy nước Thủ Đức giai đoạn 3 (công suất 300.000 m3/ngày đêm) sẽ đưa vào hoạt động vào cuối tháng 8-2015; Nhà máy nước sông Sài Gòn giai đoạn 2 (đang xây dựng) cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. |