Chục năm nay, công trình cấp nước sạch tại xã Bạch Lưu bị bỏ hoang chưa một lần sử dụng, cầu thang đã xuống cấp và có nguy cơ sập bất cứ khi nào.
Ông Vũ Văn Qúy, người dân của thôn Hồng Sen tâm sự, “mười năm nay người dân chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng có công trình nước sạch to thế kia, mà cổ họng ai cũng khát khô”. Cũng theo ông Qúy, nhiều hộ gia đình ở hai thôn là Hồng Sen và Hồng Đường không thể dùng được nước giếng nhà vì nước bị nhiễm đá vôi nặng từ nhiều năm nay.
Ông cho biết, sau khi lấy nước ở giếng đun sôi, dưới đáy ấm có cặn màu trắng, chỉ cần đun thêm vài ấm, đem chiếc ấm gõ sẽ thấy từng mảng màu trắng bung ra như chiếc bánh đa. Nếu dùng nước này luộc rau, vớt rau ra để nước nguội sẽ chuyển sang màu xanh lá cây. Vài năm trước, có đoàn của Sở Khoa học Công nghệ của tỉnh về kiểm tra lấy mẫu nước của các hộ dân nơi đây đi xét nghiệm, kết quả cho thấy hầu hết nước đều bị nhiễm đá vôi.
Nước ở đây hầu hết bị nhiễm đá vôi, không có điều kiện, nhiều nhà vẫn phải dùng để ăn.
Trong khi đó, trạm cấp nước sạch xây dựng từ 10 năm nay vẫn không thể cung cấp nước sạch cho người dân. Anh Ngô văn Cường, người dân thôn Hồng Đường tâm sự: “Năm đó làng tôi háo hức lắm, riêng nhà tôi xây cả bể chứa nước to chỉ chờ nước chảy về, vậy mà chờ mãi, nước chẳng thấy đâu, cái bể đó giờ chỉ chứa nước bơm từ giếng lên, dùng để tắm giặt, chăn nuôi gia súc chứ không ăn được”.
Không có nước sạch, người dân nơi đây phải đi hàng cây số, vào nhà người quen để xin nước về dùng. “Khổ lắm chú ạ, mùa mưa thì không sao, chứ mùa hạn hán thì từng giọt nước cũng chẳng có, phải uống nước bị nhiễm đá vôi. Biết là độc hại nhưng làm sao giờ?”, anh Cường tâm sự thêm.
Chị Vũ Thị Lĩnh bên chiếc giếng nước mà vợ chồng chị đã phải cố gắng mới đào được để lấy nước sạch cho cả gia đình.
Chờ nước sạch của Nhà nước đến cả chục năm không thấy “động tĩnh” gì, nhiều gia đình đã phải bỏ tiền túi, bỏ công sức tự mình đào những chiếc giếng cách xa nhà mình đến hàng cây số. Vợ chồng chị Vũ Thị Lĩnh rủ thêm một hộ gia đình khác gần nhà đào một cái giếng cách nhà hơn 1km, rồi làm một đường ống nước, bơm nước về tận nhà mình, chi phí lên đến gần 15 triệu đồng. “Không có tiền thật, nhưng phải cố dành dụm để cho các con bớt khổ. Chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi, biết trông chờ vào cái công trình nước sạch kia đến bao giờ nữa, thôi thì tự lực cánh sinh vậy”, chị Lĩnh chia sẻ.
Công trình cấp nước sạch được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, Trung tâm Nước sạch Vệ sinh Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc xây dưng vào năm 2005 với số vốn khoảng 2 tỉ đồng, đến nay đã tròn 10 năm. Vào thời điểm đó mực nước sông Lô dâng cao lên đến sát chân trạm bơm. Tuy nhiên sau một năm, kể từ khi công trình này được xây dựng, mực nước sông bắt đầu tụt mạnh do nạn hút cát ở lòng sông diễn ra, khiến công trình này không thể đi vào hoạt động được dù chỉ một ngày. Mới đây nhất vào tháng 8/2014, đoàn cán bộ của Trung tâm Nước sạch Vệ sinh Môi trường tỉnh cũng đã về khảo sát lại và tính đến việc di dời trạm bơm, hy vọng trọng thời gian sớm nhất, nước sạch sẽ về tới từng hộ gia đình, giúp bà con ổn định đời sống hơn”.Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu |
Phi Hùng.