Thời gian gần đây hành khách đi xe buýt ở TP.HCM liên tục phàn nàn xe buýt tiếp tục giảm chuyến, bỏ tuyến. Sở GTVT TP giải thích có tình trạng này do số lượng hành khách ngày càng ít, dẫn tới thua lỗ nên phải giảm chuyến, bỏ tuyến. Tuy nhiên, theo các tài xế và các HTX xe buýt thì vấn đề không phải chỉ đơn giản có thế mà phức tạp hơn nhiều.
Đầu tư trở thành gánh nặng
Để khuyến khích hành khách đi xe buýt, ngoài chính sách hỗ trợ giá vé TP.HCM còn có các chính sách hỗ trợ đầu tư mua sắm xe mới, tăng cường trang thiết bị công nghệ quản lý đi kèm theo xe… Nhưng vì sao xe buýt vẫn tiếp tục giảm chuyến, bỏ tuyến, theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh TP, đó là do cơ chế hỗ trợ đầu tư xe đã bộc lộ bất cập, đẩy các nhà đầu tư, chủ xe vào thế khó.
Từ năm 2002-2018, để duy trì đội hình xe buýt luôn mới, thân thiện với hành khách và môi trường, TP đã có hai lần thực hiện chính sách hỗ trợ các đơn vị, chủ xe đầu tư mới xe buýt. Lần thứ nhất từ năm 2002, TP thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới 1.318 xe buýt. Theo đó, xã viên, chủ xe ở các HTX muốn đầu tư xe mới thì chỉ cần ký quỹ khoảng 10% giá trị xe tại Liên hiệp HTX vận tải TP là có xe mới để chạy trong dự án, có trợ giá vé. “Đến năm 2014, khi vòng đời 10 năm của dự án kết thúc thì các chủ xe, xã viên mua xe sống được, chạy xe có lợi và cũng thanh toán xong toàn bộ giá trị xe” - ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch HĐQT HTX Quyết Thắng, cho biết. Đây cũng là giai đoạn số lượng hành khách tăng liên tục.
Nhưng đợt đầu tư thứ hai từ sau năm 2014 thì tạo gánh nặng cho nhà đầu tư, kéo theo chất lượng hoạt động, lượng khách đi xe buýt suy giảm. Cụ thể, từ năm 2014 TP triển khai chương trình đầu tư mới thay thế 1.680 xe buýt. Lần này chính sách hỗ trợ đầu tư có sự thay đổi lớn. Theo đó, TP hỗ trợ vay tối đa 70% giá trị xe, trong 70% này nhà đầu tư được ngân sách TP hỗ trợ chênh lệch 3% so với lãi suất thực tế (ví dụ lãi suất cho vay của ngân hàng là 10% thì chủ xe được hỗ trợ 3%, chỉ trả 7%). Như vậy, một xe có giá trị 1 tỉ đồng thì chủ xe được vay 700 triệu đồng, trong đó có 210 triệu đồng được vay với lãi suất 7%, 490 triệu đồng còn lại phải chịu lãi suất 10%. Lần này thời gian hỗ trợ lãi suất, đồng nghĩa vòng đời của dự án chỉ là bảy năm.
“Số tiền vay lớn, lãi suất không thấp và thời gian vay ngắn là gánh nặng lớn với nhiều người đã theo nghiệp xe buýt” - nhiều thành viên của HTX Quyết Thắng nhận xét.
Chăm sóc xe luôn sạch đẹp cũng là một cách lôi kéo khách đi xe buýt. Ảnh: LƯU ĐỨC
Cùng tranh giành khách
Từ chính sách hỗ trợ đầu tư mua sắm xe năm 2014 đã dẫn tới một số hệ lụy. Nếu như ở lần đầu tư xe thứ nhất từ năm 2002, xã viên, thành viên các HTX chưa thực sự là chủ sở hữu xe; mọi hoạt động của xã viên, thành viên đều nằm dưới sự điều hành của HTX. Đến đợt đầu tư thứ hai sau năm 2014, mỗi thành viên sau khi vay mua xe là trở thành chủ sở hữu phương tiện, gia nhập các HTX. Theo Luật HTX 2013, mỗi thành viên đều có quyền ngang nhau; HĐQT, ban giám đốc là những người do các thành viên bầu lên hoặc thuê. Do đó, HĐQT hoặc giám đốc HTX không có toàn quyền quyết định hoạt động của HTX nếu chưa thông qua tập thể xã viên. Vì cơ chế này nên dẫn tới việc xã viên thường khiếu nại mỗi khi cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng.
“Cạnh đó, do mỗi xe có một chủ sở hữu nên dẫn đến việc xe buýt chạy tranh giành khách, gây mất an toàn giao thông dẫn đến chất lượng xe buýt giảm, kéo khách đi xe giảm theo….” - ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, nhận xét.
Thấy ra những hạn chế này, Sở GTVT TP chủ trương tái cấu trúc, sáp nhập các HTX lại thành vài đầu mối mạnh và hoạt động như loại hình công ty nhưng không thể thực hiện được. “Nếu sáp nhập, riêng việc xử lý tài sản là chiếc xe đang vay, thế chấp ở các ngân hàng là vô cùng phức tạp. Vì thế việc tập trung và hiện đại hóa, đồng bộ hóa về hoạt động, chất lượng của toàn hệ thống xe buýt TP là rất khó. Đây chính là điểm yếu dẫn đến lượng khách đi xe buýt suy giảm” - ông Lâm Văn Phấn, Giám đốc HTX Việt Thắng, nói thẳng.
Đơn giá cứng nhắc
Một nguyên nhân khác dẫn đến giảm chuyến, bỏ tuyến xe buýt, theo ông Lê Trung Tính là do đơn giá vận chuyển không sát, cấp rót không đủ, không đúng thời điểm.
Hiện nay toàn TP có 145 tuyến xe buýt, trong đó 105 tuyến có trợ giá. Cách thức trợ giá là lấy chi phí chuyến xe trừ đi doanh thu. Trong đó, chi phí chuyến xe căn cứ trên đơn giá định mức được TP ban hành. Từ năm 2002 đến nay TP đã ba lần xây dựng đơn giá chi phí cho hoạt động xe buýt vào các năm 2002, 2009 và 2017 (riêng năm 2017 dự kiến đến… cuối năm 2018 mới xong!). Hầu hết HTX vận tải đều cho rằng bộ định mức đơn giá ban hành năm 2009 nay đã quá lạc hậu bởi chi phí đầu vào tăng nhiều, từ giá xe, nhiên liệu đến tiền lương.
Ông Lê Đình Tạo, xã viên HTX chạy tuyến xe buýt số 19, cho biết chi phí một chuyến xe là 305.000 đồng nhưng đơn giá tính chi phí chỉ 153.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX Vận tải 19-5, cho biết xe buýt của HTX ông chạy từ Hóc Môn về Bến xe Chợ Lớn nhưng theo bảng đơn giá hiện hữu thì chỉ đủ chạy đến BV Chợ Rẫy là hết… tiền nên đoạn còn lại HTX phải tự bỏ tiền bù.
Theo ông Đoàn Minh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Xe buýt TP, nhiều tuyến xe buýt được đầu tư mới nhưng rơi vào tình cảnh tiền thu không đủ trả lương, mua xăng dầu, trả nợ ngân hàng và có nguy cơ bị ngân hàng xiết xe. “Tình trạng này còn kéo dài thì rất dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ mạng lưới xe buýt mà TP đã dày công xây dựng hàng chục năm nay” - ông Tâm cảnh báo.
Ba việc cần làm ngay Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, từ nay đến năm 2020 xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực trong hệ thống giao thông công cộng với mục tiêu vận chuyển 15% lượng hành khách (hiện nay là 9,6%). Do đó có ba việc phải làm ngay: Trước hết, đổi mới tư duy phục vụ gắn với đổi mới công nghệ, lấy hành khách làm trung tâm, không còn sự phân biệt đối xử giữa học sinh-sinh viên được trợ giá đi vé 2.000 đồng/lượt với khách đi vé 6.000 đồng/lượt. Thứ hai, cùng với nguồn tiền trợ giá, hệ thống xe buýt phải tạo nguồn thu trở lại bằng quảng cáo (năm 2017 thu được 53 tỉ đồng từ quảng cáo trên xe buýt), thu từ bến bãi và một số nguồn xã hội hóa. Sau cùng, tiếp tục xã hội hóa, đấu thầu hệ thống xe buýt, công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động của hệ thống xe buýt. Tháng 10-2018, HTX vận tải xe buýt TP.HCM đã có đơn kiến nghị khẩn đến HĐND, UBND TP về việc đã và sẽ ngừng hoạt động nhiều tuyến xe buýt do hoạt động thua lỗ, mất khả năng trả nợ nguồn vốn vay đầu tư. Theo đó, từ tháng 7 đến 9-2018, TP đã có bốn tuyến xe buýt (các tuyến số 40, 149, 37, 60) phải tạm ngừng và phải cắt bớt lộ trình một tuyến xe buýt (tuyến 11). Các tuyến này được đánh giá có lượt khách ít, không đủ chi phí hoạt động. |