Từ khi tham gia mạng xã hội (MXH) Facebook thường xuyên, chị Nguyễn Thục Anh (Đống Đa, Hà Nội) không còn thói quen vào từng trang báo điện tử để đọc thông tin hằng ngày. Thay vào đó, chị tìm đọc từ nguồn trung gian thông qua các đường link chia sẻ của người dùng trên MXH.
Siêu kết nối, siêu chia sẻ
“Tất cả thông tin nóng hổi nhất, tất cả những gì được mọi người quan tâm, cũng như hấp dẫn nhất tôi đều tìm thấy trên MXH, thay vì phải tốn quá nhiều thời gian để đọc tất cả trang báo” - chị Thục Anh nói.
Chị Thục Anh không phải là thiểu số những người đọc báo theo cách trung gian như thế.
Bất kỳ ai có một tài khoản MXH đều cho thế giới biết “Tôi vừa thấy gì”. Những thông tin từ người dùng trở thành một kho tin khổng lồ trên toàn cầu với tính tương tác cao.
MXH: Đối thủ hay đối tác?
Hành vi của người đọc ngày nay đã thay đổi từ việc đọc trực tiếp một tờ báo sang đọc các đường link được dẫn trên MXH. Đây là nơi “phát hành” báo chí. Trường hợp nhà báo Hữu Bằng của báo Long An cần tiền để ghép thận sau khi được đăng trên các báo Pháp Luật TP.HCM, Dân Việt… và được nhà báo Đức Hiển, Trương Hữu Danh... (các tác giả của những bài báo này) trích đăng lại trên Facebook của mình đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ của cộng đồng. Chỉ riêng số tiền gửi ủng hộ thông qua tài khoản của nhà báo Đức Hiển đã là gần 900 triệu đồng.
Trong rất nhiều vụ việc, MXH là hàn thử biểu, là thước đo dư luận xã hội. Một vụ việc báo chí chưa nêu nhưng nó đo độ nóng quan tâm của dư luận để báo chí quyết định có đu theo hay không.
Tính tương tác, khả năng phản biện của MXH cũng trở thành một kênh giám sát quan trọng cho báo chí. Nếu như trước kia truyền hình vốn được biết đến là loại hình báo chí không có khả năng lưu trữ (so với các loại hình báo chí khác như báo in, báo mạng điện tử…) thì ngày nay thông qua sự phát triển của công nghệ truyền dẫn, đặc biệt là sự phổ biến của MXH thì một từ viết sai chính tả trên truyền hình cũng được người xem lưu trữ và tố cáo trên MXH.
Ngày càng có nhiều nhà báo tham gia MXH. Ngày càng có nhiều nhà báo trở thành cây viết trên MXH và có thương hiệu trên MXH hơn trên tờ báo của chính mình. Và tất nhiên, nhà báo không thể tách rời được cái tôi cá nhân gắn với tờ báo với cái tôi cá nhân gắn với tên mình trên MXH.
Theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (RISJ) thực hiện, có 44% người dùng Facebook coi MXH này là nguồn cung cấp tin tức chính của mình. Theo thống kê của “wearesocial.net” (một tổ chức có trụ sở chính ở Anh nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu) tháng 1-2015, người Việt Nam đang đứng thứ tư trên thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 giờ mỗi ngày. Hơn nữa, người Việt Nam sử dụng Internet cũng đứng thứ chín về số thời gian trung bình dành cho MXH là 3,1 giờ mỗi ngày; đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng MXH là 31%, trong đó Facebook là MXH được sử dụng thông dụng nhất. Nhà báo HOÀNG MINH TRÍ: Uy tín của nhà báo trên MXH Tôi làm nghề báo nhưng có lẽ việc sử dụng MXH lại có phần thành thạo hơn chuyên môn chính. Cộng đồng mạng tin tôi hơn vì hai chữ “nhà báo”, họ biết tôi không bao giờ đặt cược uy tín cá nhân vào việc tung ra những thông tin thất thiệt. Theo một thống kê không chính thức thì hiện nay Việt Nam có xấp xỉ 30 triệu người sử dụng Facebook, MXH quy mô và lớn nhất toàn cầu tại thời điểm này. Không ít vấn đề nóng của xã hội lại xuất hiện đầu tiên trên mạng, điều đó không ngạc nhiên với lực lượng hùng hậu vài chục triệu “cộng tác viên”. Báo chí vào cuộc sau nhưng không có nghĩa họ bị lép vế bởi tính chuyên nghiệp đặc thù người làm báo, nhà báo có điều kiện, năng lực nguồn lực, kinh phí, tính chính danh của tổ chức, có đồng đội… để khai thác thông tin, điều mà MXH không có. Việc tổ chức thông tin trên MXH như một anh chạy đường dài và đứt hơi, không có liên tục, đậm đà thời vụ và cơ hội cho những kẻ muốn đánh bóng tên tuổi. Ở khía cạnh khác, người dùng mạng không bị ràng buộc nghĩa vụ cung cấp thông tin đến cùng cho bạn đọc. MXH là mớ rau nguyên liệu và thông tin chính thống trên báo chí luôn là món ăn ngon an toàn hơn cho người đọc. Nếu như MXH thay thế được báo chí, tôi tin đó sẽ là thảm họa hơn là một tin đáng mừng. Có xã hội nào sống chung được với hoang mang niềm tin? Nhà báo NGÔ NGUYỆT HỮU: Quyền lực của nút like Có rất nhiều câu chuyện ầm ĩ trên báo giới xuất phát từ Facebook, như chuyện các CSGT vi phạm ở ngã ba Thái Lan (Đồng Nai) vừa qua, chuyện Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus 570 biển số công vụ, vụ phạt 5 triệu đồng vì “cái mặt kênh kiệu” ở An Giang, vụ đòi kỷ luật cô giáo vì đăng status phản ánh “cây cầu đã gãy” ở Long An… Tháng 1-2015, xuất hiện bản tin “Bắt kẻ tống tiền chủ nhãn hiệu Number One 500 triệu đồng”, bản tin chưa đầy 200 chữ tưởng chừng đã chìm nghỉm giữa hàng chục bản tin thời sự xã hội khác vì cơn sóng thông tin mới thì bất ngờ một hot Facebooker phân tích rõ hơn về bản tin này. Ngay lập tức phân tích ấy được like và share rất nhanh, trên Facebook tràn ngập câu chuyện “ruồi trong chai nước ngọt”. Nhiều cơ quan truyền thông nhanh chóng nhập cuộc với đủ thể loại đề tài xoay quanh chuyện này được chuyển tải lên mặt báo. Từ chuyện gài bẫy người tiêu dùng, đạo đức kinh doanh, gia cảnh người bị bắt, những vụ việc tương tự. Hãng giải khát này lâm vào cơn khủng hoảng truyền thông. Đây chỉ là câu chuyện điển hình trong hàng loạt câu chuyện khác về sức nóng của MXH. Trước đây, rất nhiều cá nhân nhầm tưởng nút like trên MXH chỉ là một trò vô bổ. Tuy nhiên, nút like chính là một thứ biểu tượng quyền lực thông tin mới. Quyền lực của nút like tập trung vào những cây bút - đa phần là nhà báo với lập luận, tư duy, văn phong, thông tin nổi trội hơn phần đông những người sử dụng Facebook. Nhà báo BẠCH HOÀN: Viết Facebook như viết báo Tôi viết trên Facebook với một trách nhiệm và nguyên tắc nghề nghiệp của một nhà báo. Đã là nhà báo viết Facebook thì phải như viết trên những tờ báo chính thống. Trong sự việc cá chết ở bốn tỉnh miền Trung vừa qua, tôi viết rất nhiều bài trên Facebook. Các vấn đề liên quan đến sự bất thường trong giám sát hoạt động xả thải của nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh, tôi phân tích rất kỹ. Tất cả dữ liệu đều được thu thập như tác nghiệp báo chí, có chụp ảnh, có quay phim, có phỏng vấn Formosa, có phỏng vấn ngành TN&MT Hà Tĩnh, có câu chuyện từ ngư dân, có văn bản từ cơ quan quản lý nhà nước... Người đọc Facebook đa phần rất thông minh và họ sàng lọc thông tin rất tốt. Thế nên một thông tin được xác thực, được viết một cách nghiêm túc sẽ tạo được sự lan tỏa có khi theo cấp số nhân trên MXH. Như khi tôi viết về sự giám sát lỏng lẻo đối với hoạt động của Formosa Hà Tĩnh, ngay lập tức có hàng ngàn lượt chia sẻ. Nhà báo hiện nay có hai kênh để truyền tải thông điệp, đó là tờ báo mình đang làm việc và trang Facebook của cá nhân nhà báo. Việc thể hiện quan điểm trên Facebook đương nhiên phải nhất quán với quan điểm trên báo, bởi dù bài viết đăng tải ở đâu thì vẫn phải đảm bảo tiêu chí trung thực, khách quan. Nhà báo MINH PHONG: Không thể xem thường MXH Người làm báo ngày nay không thể xem thường MXH. Cá nhân tôi, vụ việc cá chết từ hai tháng trước ở miền Trung được tiếp cận từ bạn bè ngư dân ven biển có dùng Facebook, từ đó xác minh hiện trường, xác minh về chính quyền, xác minh cách ứng phó địa phương mới có thể đưa tin. MXH thật sự cần thiết nhưng đó mới là thông tin ban đầu, chưa thể là thông tin chính thức. Để biến nó thành thông tin chính thức, nhà báo cần trải qua nhiều bước nhằm tránh sự hoang tin, sự chuyên nghiệp của báo chí là vậy. |