Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 21-11 cho biết Manila trong tuần này sẽ nối lại hoạt động tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Động thái trên diễn ra sau khi hai tàu tiếp tế của Philippines trước đó phải hủy nhiệm vụ và quay về bờ vì bị ba tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước ngăn chặn ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: REUTERS
Ông Lorenzana hôm 21-11 cho biết đã chỉ đạo cho quân đội điều các tàu tiếp tế trở lại bãi Cỏ Mây, nói thêm rằng Trung Quốc "sẽ không can thiệp" vào lần này.
“Phía Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc trò chuyện của tôi với Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian” – ông Lorenzana cho hay.
Ông Lorenzana cho biết đã trao đổi với ông Huang "từ tối 16-11 trong khi sự việc diễn ra cho đến ngày 20-11".
Liên quan việc nối lại hoạt động tiếp tế ở bãi Cỏ Mây, ông Lorenzana cho biết sẽ không có lực lượng hải quân hay tuần duyên hộ tống các tàu tiếp tế của Philippines.
Vị bộ trưởng nhấn mạnh phía Trung Quốc “không có quyền cản trở, ngăn cản hoặc quấy rối tàu của Philippines” bất kể các tàu của Manila “đang đánh bắt cá hay tiếp tế cho lực lượng đồn trú (trái phép) ở tàu Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Trước đó, Philippines hôm 18-11 đã lên án "mạnh mẽ" hành động của ba tàu hải cảnh Trung Quốc khi dùng vòi rồng phun nước ngăn chặn tàu của Manila tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Reuters dẫn lời Phó Đô đốc Ramil Roberto Enriquez - chỉ huy Bộ tư lệnh miền tây Philippines - cho biết số lượng tàu hải cảnh của Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây đã giảm xuống còn hai chiếc tính đến tối 20-11 so với ba chiếc hôm 16-11.
Ông Enriquez cho biết các tàu dân quân biển của Trung Quốc cũng đã rời khu vực này. Trung Quốc đã phủ nhận việc điều hành một lực lượng dân quân.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon, có 19 tàu, được cho là do lực lượng dân quân biển Trung Quốc điều khiển, gần bãi Cỏ Mây và 45 tàu gần đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Philippines chiếm đóng trái phép).
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Philippines chiếm đóng trái phép.
Philippines sử dụng BRP Sierra Madre, tàu chiến cũ mắc cạn ở bãi Cỏ Mây hồi năm 1999, làm tiền đồn cho một nhóm lính thủy đánh bộ trú đóng nhằm duy trì hiện diện trái phép tại thực thể này. Trong khi đó, tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần gây hấn, chặn tàu tiếp tế của Philippines đến bãi Cỏ Mây.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 18-11 đã nêu rõ lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung, là rõ ràng và nhất quán.
"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 trong mọi hoạt động ở khu vực trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực"- người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.