Nhiều ý kiến thắc mắc tại sao trong thành phần ban đầu của ban soạn thảo dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - nước mắm" đang được Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) xây dựng không có đại diện Masan. Nhưng sau đó khi ban soạn thảo đã đi được 2/3 chặng đường soạn thảo thì lại bổ sung Masan.
Đặc biệt có ý kiến cho rằng sau khi bổ sung đại diện của Masan vào thì nội dung trước đó bị thay đổi hết. Cụ thể, Masan kiên quyết đòi thay thế cụm từ "nước mắm truyền thống" bằng “nước mắm nguyên chất" và giữ cụm từ "nước mắm" để chỉ nước mắm pha chế công nghiệp...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết:
"Đây là dự thảo đương nhiên phải sửa đổi, cập nhật. Việc xây dựng dự thảo các bên đều tham gia góp ý, mục tiêu là để quy tụ được đầy đủ các thành phần quan trọng. Ba hiệp hội tham gia ban soạn thảo là ba hiệp hội lớn, là đại diện của nhiều doanh nghiệp lớn.
Ví dụ như Hiệp hội nước mắm Phú Quốc có doanh nghiệp sản xuất nước mắm lớn là Công ty Khải Hoàn cũng tham gia; Công ty nước mắm Nha Trang cũng tham gia. Vậy thì khi Công ty Masan đề nghị được tham gia cũng là thỏa đáng thôi", ông Nguyễn Như Tiệp nói.
Về ý kiến nội dung dự thảo bị thay đổi kể từ khi Công ty Masan tham gia ban soạn thảo, ông Tiệp khẳng định:
"Nội dung không phải thay đổi mà dự thảo đó có nhiều ý kiến chưa thống nhất được nên phải có thêm một đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều nội dung có quan điểm khác nhau, cần phải có cơ sở khoa học nghiên cứu thêm, khi có kết quả thì các bên mới ngồi lại với nhau rồi thảo luận, thống nhất quan điểm.
Tôi chưa nói là phân loại nước mắm theo truyền thống/công nghiệp hay nguyên chất/nước mắm. Cái đó phải có cơ sở khoa học mới quyết định được. Quan trọng nhất là phải có cơ sở khoa học, phải có sự đối thoại giữa đầy đủ các bên".
Trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Như Tiệp còn cho biết hiện ban soạn thảo có tất cả 14 thành viên. Cùng với Công ty Masan đề nghị được tham gia, đại diện Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cũng đề nghị được tham gia.
Khách hàng đang tìm hiểu về đặc sản nước mắm Phú Quốc
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Trần Phú Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước mắm Phan Thiết, thành viên tham gia xây dựng dự thảo "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - nước mắm” cho biết: Tôi là một trong 10 thành viên được Bộ NN&PTNT ký quyết định thay mặt Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo. Đã có nhiều cuộc họp giữa các thành viên và có kết quả khá tốt.
Bước đầu dự thảo cũng tạm thời được xây dựng, trong đó phác thảo rất minh bạch và rõ ràng cho nước mắm truyền thống và công nghiệp. Dự thảo này sau đó dự kiến sẽ được ban hành. Tuy nhiên, khoảng tháng 7-2018, không hiểu vì lý do gì mà bất ngờ có thông báo hủy toàn bộ dự thảo trên.
“Thông báo trên cũng yêu cầu nâng số thành viên từ 10 lên 12 người và có thành viên của Masan tham gia. Đúng là tôi phải bay ra Hà Nội để tham gia và xây dựng dự thảo lại. Tuy nhiên, lần họp đầu tiên khi tôi vừa xuống sân bay đã nhận tin nhắn phải hoãn vì chưa đủ thành phần. Sau đó tôi lại được mời lần nữa và lần này có đại diện Masan là một luật sư tham gia mà tôi không nhớ tên” ông Đức kể.
Cũng theo ông Đức, trong cuộc họp ấy, nhiều nội dung hoàn toàn được thay đổi so với cuộc họp tôi tham gia trước đó. Đặc biệt khi ban hành dự thảo lần đầu, nội dung không giống với những gì đã bàn luận trước đó.
Cụ thể, họp bàn một đằng nhưng thông báo bằng văn bản một nẻo, có rất nhiều nội dung làm khó cho nước mắm truyền thống.
“Tức quá, tôi đã gửi email kịch liệt phản đối những nội dung trong dự thảo. Tôi khẳng định không chấp nhận làm việc kiểu này vì nhiều nội dung trong văn bản thông báo không hề được đưa ra trong cuộc họp bàn bạc, xây dựng.
Sau khi tôi gửi email phản đối, đến sau này tôi không nhận được bất cứ giấy mời nào để tiếp tục tham gia góp ý cho dự thảo, dù tôi là thành viên tham gia từ đầu có quyết định hẳn hoi”, ông Đức kể.