Từ sáng sớm, anh Đỗ Công Tường, một "hiệp sĩ" tham gia nhóm Hiệp sĩ đường phố quận Tân Bình, đã có mặt tại Trung tâm Pháp y quận 5 để chia sẻ nỗi đau với gia đình của hai "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi (quê Bình Định) và Nguyễn Hoàng Nam (ngụ Gò Vấp, TP.HCM).
Anh Tường ôm chặt bé Đạt, con trai của anh Thôi, vào lòng dặn dò: “Ba đi rồi, con ở với mẹ nhớ nghe lời, gắng học hành chăm chỉ để sau này làm được nhiều việc tốt như ba của con”...
Anh Tường an ủi, động viên bé Đạt và vợ cũ của anh Thôi.
Anh Tường cho biết anh tham gia nhóm cùng các anh em đã được gần bảy năm. Tối qua, vì bận việc riêng nên anh không tham gia cùng mọi người.
“Có điện thoại của anh em gọi đến báo rằng anh Thôi đi bắt cướp bị đâm chết rồi. Tôi nghe xong mà tay chân cứ bủn rủn, liền tức tốc chạy từ Tân Phú lên hiện trường với anh em. Sáng nay thì tôi qua đây với gia đình của hai anh” - anh Tường ngậm ngùi.
Trong ký ức của anh Tường, anh Thôi rất hiền lành, luôn chan hòa với mọi người. “Đặc biệt, anh Thôi có thể nhớ được rất nhiều biển số xe. Cũng nhờ vậy mà mỗi khi đi đường, anh Thôi chịu khó quan sát, nhớ biển số xe rồi phát hiện đối tượng. Anh có thể nhớ trên 10 biển số xe liên tục” - anh Tường nhắc về người anh cùng đội.
Anh Tường bảo rằng vì ý thức được công việc đang làm nguy hiểm đến tính mạng nên trước mỗi lần ra quân đi tuần tra, anh em luôn tự dặn dò nhau phải cẩn thận, chú ý phòng thân.
“Đối tượng thì ngày càng manh động, trong người chúng lúc nào cũng có dao bấm, kinh chích, kim tiêm... Anh em chúng tôi chỉ đi tay không, nhiều lắm mang theo gậy bên người nên khi đối mặt với bọn chúng cũng sợ lắm chứ. Nhưng anh em động viên nhau, đó là chí hướng của anh em, là đam mê và nhiệt huyết rồi. Nếu sợ thì ban đầu đã không đeo đuổi đến tận ngày hôm nay. Nhìn anh em mình bị thương, hy sinh như vậy chúng tôi đau buồn lắm...” - anh Tường nói.
Trưa cùng ngày, nhiều anh em trong nhóm "hiệp sĩ" đã có mặt ở Trung tâm Pháp y quận 5 để chờ đón hai đồng đội của mình.
Dù vậy, anh Tường bảo rằng không vì nỗi đau đó, vì sợ bọn cướp mà nhiều anh em còn lại chùn bước. “Nhiệt huyết anh em đã ăn trong tim, trong máu rồi. Anh em cùng chung lời thề là dù có khó khăn, hoạn nạn gì cũng ở bên nhau, cố gắng khắc phục. Hai người mất đi, đau chứ nhưng điều đó cũng không khiến chúng tôi chùn bước, khuất phục trước tội phạm” - anh Tường mạnh mẽ nói.
Nằm trong phòng điều trị ở khoa Gây mê-hồi sức ngoại, BV Nhân dân 115, sức khỏe của ông Trần Văn Hoàng (50 tuổi, quận Tân Bình), trưởng nhóm "hiệp sĩ", vẫn còn rất yếu. Khi ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đến BV thăm, ông Hoàng khóc: "Tôi mong anh em hiểu và cố gắng vượt qua hoạn nạn này, bản thân tôi cũng không biết làm sao nữa. Mong mọi người giúp anh em chúng tôi vượt qua khó khăn này”.
Đến trưa cùng ngày, nhiều anh em trong nhóm "hiệp sĩ" cũng đã đến trước Trung tâm Pháp y quận 5, ngồi quây quần bên nhau để cùng chờ đưa thi thể của hai người đồng đội về quê an táng.