Kết thúc cuộc trưng cầu dân ý lịch sử diễn ra ngày 23-6 (giờ địa phương), 51,89% cử tri Anh đã ủng hộ Brexit so với chỉ 48,1% cử tri ủng hộ phương án Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, sau 40 năm gắn bó, người Anh đã lựa chọn việc rời bỏ EU. ("Brexit" là từ ghép của "Britain" và "Exit" nói đến việc Vương quốc Anh có thể rời bỏ EU).
Theo phân tích của công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), việc Anh bỏ phiếu rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ là sự kiện tác động mạnh mẽ lên kinh tế-chính trị toàn cầu, mà trong đó Việt Nam cũng là một phần không thể tách rời. Đồng euro, bảng Anh mất giá sẽ tạo ra bất lợi đối với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả tương đối của các hàng hóa vào EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Thêm vào đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện “Brexit” kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU như Trung Quốc hay Việt Nam.
VCBS cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỉ giá. Xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỉ giá.
Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỉ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối. Cuối cùng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên. Như vậy, sau khi được giữ ổn định trong sáu tháng đầu năm, VCBS đánh giá, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỉ giá.
Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc Anh rời khỏi EU còn có tác động gián tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại với khu vực EU như doanh nghiệp ngành dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản,…. Trong đó, sự kiện này được nhìn nhận mang đến tác động tiêu cực.
Ở chiều ngược lại các doanh nghiệp có các khoản vay, các khoản tài trợ bằng đồng euro sẽ hưởng lợi thế nhất định trong các giao dịch từ sự kiện này. Tuy nhiên cơ cấu các loại ngoại tệ và thời gian đáo hạn của các khoản nợ sẽ góp phần tạo ra các tác động với mức độ khác nhau ở từng doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo quan điểm của công ty chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS), trong nhóm thị trường mới nổi tại châu Á, Việt Nam có quan hệ thương mại khá mật thiết với EU (bao gồm cả nước Anh). Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là EU với kim ngạch đạt trên 30 tỉ USD. Tại thị trường này, Việt Nam xuất siêu với giá trị lớn trên 20 tỉ USD. Do đó, triển vọng tăng trưởng của khu vực này kém đi cũng sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam bị giảm.
Thêm vào đó, việc đồng euro giảm giá so với USD cũng khiến đồng tiền này giảm giá so với VND (do VND bị neo vào USD) và do đó khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU bị giảm. Kim ngạch xuất khẩu vào EU chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và do đó tác động của sự kiện trên nếu có là đáng kể.
MBS cũng cho rằng áp lực lên tỉ giá VND/USD có thể sẽ tăng lên trong ngắn hạn khi dòng vốn đầu tư bị rút ra và đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên tác động này sẽ được cân bằng trở lại khi FED chắc chắn sẽ dừng tăng lãi suất nếu sự kiện trên xảy ra. Do đó, tác động lên tỉ giá VND/USD sẽ nhỏ. "Chúng tôi chỉ lo ngại Trung Quốc có thể giảm giá nhân dân tệ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào EU (khi đồng euro giảm giá). Điều này là gây sức ép khiến NHNN Việt Nam giảm giá VND để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam"- MBS nhận định.
Theo báo cáo của MBS, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh chiếm tỉ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó xuất khẩu chiếm 2,4% và nhập khẩu chiếm khoảng 0,4%. Dòng vốn FDI của Anh vào Việt Nam chiếm 5,3%.