Anh trưng cầu dân ý rời EU (Bài 2): Anh-EU mất, Mỹ mất, Nga được

Sau ngày hôm nay (23-6) mối "nhân duyên" giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ được quyết định, rời nhau hay tiếp tục gắn bó. Đây cũng là sự chờ đợi của hai phe ủng hộ Brexit - từ ghép giữa hai từ Britain (nước Anh) và exit (ra đi), chỉ khả năng Anh rời khỏi EU. 

Theo báo Express (Anh), các chiến dịch vận động của phe ủng hộ Brexit tập trung khai thác các lợi ích chính trị khi Anh không còn là thành viên EU, chú trọng khai thác những hạn chế của EU, đề cao tính độc lập chủ quyền của Anh để kích thích tinh thần dân tộc của người Anh.

Anh được gì?

Phe ủng hộ Brexit theo chủ nghĩa hoài nghi về một liên minh EU, cho rằng hệ thống chính trị EU thiếu dân chủ và Anh không việc gì phải chịu đựng các luật lệ của EU.

Theo họ, cuộc trưng cầu dân ý là cơ hội lịch sử để Anh tìm lại được quyền tự quyết, thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhập cư đang hoành hành châu Âu. Nước Anh sẽ tăng kiểm soát an ninh hơn, giảm gánh nặng lên y tế và giáo dục.

Tính đến nay Anh đã đóng góp cho ngân sách EU từ 500 Bảng đến một tỉ Bảng kể từ ngày gia nhập. Một khi không còn là thành viên EU, Anh không còn phải đóng góp 8 tỉ Bảng mỗi năm cho ngân sách EU. Phe ủng hộ Brexit cho rằng quyền lợi mà Anh nhận lại từ EU không tương xứng với số tiền Anh phải nộp cho ngân sách EU và tuân thủ các luật lệ EU.

Phe ủng hộ Brexit vận động tại London

Phe ủng hộ Brexit vận động tại London (Anh). (Ảnh: GETTY IMAGES)

Một khi rời khỏi EU, Anh có thể tự do tìm kiếm các đối tác thương mại khác với phần còn lại của thế giới ngoài cộng đồng EU, như Mỹ, Ấn Độ, nước Anh sẽ thịnh vượng hơn trong tương lai.

Mất gì?

Trong khi đó, phe phản đối Brexit thì tập trung khai thác các tổn thất kinh tế khi Anh rời EU.

Châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất (chiếm ½) và là nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất của Anh. Nếu Anh rút khỏi EU, không còn tự do tiếp cận thị trường chung châu Âu, thương mại và đầu tư của Anh đều sẽ giảm. Thị trường lao động, đặc biệt lao động cao cấp ở Anh sẽ sụt giảm. Tư cách thành viên EU rất quan trọng để Anh trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu, điều này sẽ không còn nếu Anh rút khỏi EU.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia (Anh) cho thấy dòng người nhập cư dù làm Anh lo lắng về nguy cơ lai tạp văn hóa và mất tính đồng nhất của mình nhưng nếu không có dòng người này, lực lượng lao động sẽ giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, không những cảnh báo kinh tế Anh sẽ bị thu nhỏ 6%, đồng Bảng sẽ mất giá, Bộ trưởng Tài chính George Osborne còn dự báo Anh sẽ mất 820.000 việc làm trong hai năm nếu Brexit xảy ra.

Liên hiệp Công nghiệp Anh dự báo nếu rời EU, kinh tế Anh sẽ mất khoảng 100 tỉ Bảng. Các nhà phân tích tài chính ở ngân hàng HSBC cũng dự báo đồng Bảng sẽ giảm giá 20% so với đồng USD. Trưng cầu dân ý chưa diễn ra nhưng vài tháng nay giá trị đồng Bảng đã dần suy yếu vì sự kiện này, hiện đang ở mức thấp nhất trong bảy năm qua.

Theo dự báo của Bộ Tài chính Anh thì thời gian khủng hoảng kinh tế này sẽ kéo dài ít nhất một năm. Ngay cả phe ủng hộ Brexit cũng thừa nhận kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng, ít nhất trong thời gian đầu.

Bộ Tài chính Anh còn dự báo gánh nặng chi phí lên mỗi hộ dân Anh sẽ phải tăng thêm 4.300 Bảng mỗi năm, cho đến ít nhất năm 2030 vì các chi phí như nhập khẩu, du lịch sẽ tăng.

Bên cạnh đó là sự băn khoăn đến cuộc sống của những công dân Anh sống ở các nước châu Âu khác, cũng như những công dân châu Âu sống ở Anh. 


 Anh trưng cầu dân ý rời EU (Bài 2): Anh-EU mất, Mỹ mất, Nga được ảnh 2Phe ủng hộ Anh ở lại EU vận động tại London (Anh) tuần rồi. (Ảnh: REUTERS)

Về an ninh, phe phản đối Brexit cho rằng viễn cảnh này sẽ làm giảm khả năng đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới và khủng bố của Anh. Thủ tướng Cameron thậm chí nói rằng các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ vui mừng nếu Anh rời EU.

Phe ủng hộ Brexit có thể thấy bất mãn vì các quy định, luật lệ chung của EU mà họ cho là khắt nghiệt. Nhưng với phe phản đối Brexit, đây là điều kiện, là cái giá Anh phải trả để đổi lấy các quyền lợi khi là thành viên của EU.

EU mất, Mỹ mất, Nga được

Theo báo New York Times (Mỹ), không chỉ Anh mà cả EU cũng sẽ chịu tổn thất khi tách khỏi nhau.

Về phía Anh, Brexit sẽ dẫn tới hệ lụy nguy hiểm. Trước mắt, Brexit nhiều khả năng sẽ kích thích người Scotland rời bỏ Liên hiệp Anh. Bà Nicola Sturgeon, Bộ trưởng Thứ nhất Scotland từng nói nếu Anh trưng cầu dân ý rời EU, bà cũng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới khả năng Scotland rời Liên hiệp Anh, sau đó gia nhập lại EU như một nước độc lập.

Scotland từng trưng cầu dân ý rời Liên hiệp Anh năm 2014 nhưng đa số chọn ở lại. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích nhận định tình hình sẽ khác vì Scotland rất ủng hộ tư cách thành viên EU.

Một khi không còn Scotland, bản chất chính trị của Anh sẽ thay đổi rất lớn. Ngoài ra sức mạnh, ảnh hưởng của Anh trên trường quốc tế sẽ giảm mạnh nếu Anh rời EU.

Với EU, Brexit không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chính trị và kinh tế. Brexit sẽ kích thích chủ nghĩa dân tộc, chống người nhập cư, cũng như phát triển tư tưởng cực hữu ở châu Âu. Brexit cũng sẽ làm suy giảm niềm tin giữa các nước thành viên còn lại. Không còn thành viên lớn là Anh, nội bộ EU còn lại chắc chắn sẽ lâm vào khủng hoảng. Thậm chí theo nhiều nhà kinh tế, EU không còn Anh sẽ không còn là EU. Ngoài ra vì Anh chiếm 1/6 kinh tế EU, nên Brexit chắc chắn sẽ khiến kinh tế EU khủng hoảng.

New York Times dẫn lời chuyên gia Brian Klaas tại Trường Kinh tế London (Anh) ví việc EU mất Anh tương đương với việc Mỹ mất hai bang California và Florida, và Brexit chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ.

Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định không tăng lãi suất vì khả năng Anh rời EU. Về chính trị, Brexit không những kích thích chủ nghĩa dân tộc, chống nhập cư, phát triển tư tưởng cực hữu ở châu Âu mà cả ở Mỹ.

Đức vốn đã có quyền lực mạnh trong khối. Và nếu không còn Anh sự mất cân bằng này sẽ còn mạnh hơn, theo chuyên gia Charles Grant, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Trung tâm Cải cách châu Âu (Anh).  Điều này có ảnh hưởng rất tiêu cực đến khả năng giải quyết các cuộc khủng hoảng nội bộ EU, như tình hình kinh tế Hy Lạp, hay khủng hoảng nhập cư, cũng như các mối đe dọa an ninh bên ngoài.

Vì thế theo chuyên gia Charles Grant, dù không có lợi cho Mỹ nhưng Anh rời EU sẽ làm lợi cho Nga. Nga vốn rất mong muốn nội bộ EU mất cân bằng và thiếu khả năng giải quyết kiểm soát nội bộ vì điều này sẽ có lợi cho Nga cả về chính trị và kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm