Hôm nay (23-6) ở Anh sẽ diễn ra một sự kiện lịch sử: người dân sẽ đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý khả năng Brexit, từ ghép giữa hai từ Britain (nước Anh) và exit (ra đi), chỉ khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Rút khỏi EU là quyền của các thành viên EU theo điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon “Mọi nước thành viên có thể quyết định rời EU phù hợp với các yêu cầu hiến pháp của nước đó".
Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) được thành lập năm 1957. Anh nộp đơn xin gia nhập EEC hai lần vào các năm 1963 và 1967, tuy nhiên đều bị Tổng thống Pháp Charles de Gaulle phản đối với lý do một số khía cạnh kinh tế của Anh không tương hợp với châu Âu.
Khi Tổng thống Charles de Gaulle rời nhiệm sở, chính phủ đảng bảo thủ Anh lần thứ ba nộp đơn và lần này gia nhập thành công. Anh trở thành thành viên EEC từ đầu năm 1973.
Đây đã là lần muốn ra đi thứ hai
Theo hãng tin BBC (Anh), Brexit vốn là một mục tiêu chính trị của một bộ phận lớn cá nhân, tổ chức, đảng phái ở Anh kể từ khi Anh tham gia EEC - tiền thân của EU từ năm 1973. Năm 1975, Anh đã từng trưng cầu dân ý khả năng rời EEC do sự phát động của lãnh đạo đảng đối lập Lao động Harold Wilson. Kết quả là Anh chọn ở lại EEC.
Từ ngày 1-11-1993, EEC trở thành EU, từ một liên minh kinh tế trở thành một liên minh chính trị.
Năm 2012, Thủ tướng Anh David Cameron đã một lần từ chối lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý khả năng Anh rời EU. Năm 2013, Thủ tướng Cameron đồng ý sẽ tổ chức trưng cầu dân ý chấm dứt tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2017.
Tuy nhiên, vì áp lực của các tổ chức và đảng phái, ngày 22-2, Thủ tướng Cameron thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 23-6. Cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ta ở Anh phần lớn là kết quả vận động của đảng Độc lập Anh (UKIP) vốn có quan điểm bi quan về một liên minh châu Âu.
Thủ tướng Anh David Cameron muốn Anh ở lại EU. (Ảnh: GETTY IMAGES)
Những ai có quyền đi trưng cầu dân ý? Là công dân Anh và công dân các nước thuộc Liên hiệp Anh sống ở Anh, các công dân Anh sống ở nước ngoài ít hơn 15 năm.
Một khi Anh thông báo với Hội đồng châu Âu quyết định rời EU, tiến trình thương lượng rời EU sẽ bắt đầu và kéo dài trong hai năm. Nội dung chính thỏa thuận giữa hai bên là quan hệ tương lai giữa Anh với EU, buộc phải đạt được ít nhất 72% sự đồng ý của các nước thành viên còn lại, của Quốc hội châu Âu và của ít nhất 65% dân số toàn EU.
Viễn cảnh nào sẽ tới nếu Anh chọn ở lại EU? Theo Express, Anh vẫn tiếp tục ổn định về kinh tế, trong khi đó vẫn có thể tiếp tục theo đuổi vận động cải cách trong nội bộ EU.
Tại sao lại là lúc này?
Một bộ phận lớn người Anh luôn muốn tách biệt mình khỏi EU, dù trong tư tưởng. Nhiều công ty du lịch ở Anh đưa ra các gói tour “Đến châu Âu”, như thể nói về một châu lục khác.
Ban đầu Anh đã quyết không vào EEC khi nó mới thành lập. Sau này dù vào EU nhưng Anh chưa bao giờ tham gia vào khối sử dụng đồng tiền chung euro.
Phe ủng hộ Brexit. (Ảnh: GETTY IMAGES)
Tại sao Anh lại nghĩ đến chuyện rời khỏi EU vào thời điểm này? Báo New York Times (Mỹ) dẫn lời chuyên gia Charles Grant, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Trung tâm Cải cách châu Âu (Anh) thì Anh sẽ không trưng cầu dân ý rời EU nếu không có cuộc khủng hoảng đồng euro khiến EU suy yếu. Bên cạnh đó hiện tại châu Âu đang chìm trong cuộc khủng hoảng nhập cư và Anh không muốn dây vào.
Ngoài ra, EU không có được thể chế chính trị trung tâm đủ mạnh để kiểm soát các nước thành viên. Các thành viên thấy mình có quá ít bổn phận, ràng buộc để hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung. Do đó sự thống nhất của EU dễ bị phá vỡ một khi các nước thành viên khăng khăng bảo vệ lợi ích của mình, một mực không chịu nhượng bộ vì quyền lợi chung của EU.