Tối 19-5, BV Từ Dũ (TP.HCM) đã khẩn cấp thực hiện lấy khối thai bám sẹo mổ cũ cho thai phụ (29 tuổi, ngụ TP.HCM).
Trước đó, tối 19-5, thai phụ đến BV trong tình trạng ra huyết âm đạo ồ ạt gần 1 lít máu, da xanh, mạch nhanh. Nhận thấy bà mẹ trẻ đã từng mổ lấy thai trước đây và khối thai nằm thấp trong lòng tử cung, bác sĩ siêu âm đã kiểm tra rất kỹ và ghi nhận các dấu hiệu điển hình của một túi thai 6 tuần tuổi bám ngay tại vị trí sẹo mổ cũ.
Ngay lập tức, thai phụ được chuyển lên phòng mổ và can thiệp lấy khối thai ra nhằm bảo toàn tính mạng cho người mẹ.
Các bác sĩ đang can thiệp lấy khối thai cho thai phụ. Ảnh: BVCC
Khai thác bệnh sử, thai phụ đã từng có năm lần sinh nở, trong đó có một lần sinh mổ song thai trước khi sinh thường một bé cách đây hai năm. Cách đây hai tháng, chị biết mình có thai nhưng không đi khám. Khoảng một tuần trước, dù có ra ít huyết nhưng chị vẫn chưa thể sắp xếp công việc để khám thai. Chỉ khi thấy máu ra ồ ạt, chị mới lo lắng đến bệnh viện.
Thai bám sẹo mổ cũ là tình trạng thai không nằm trong buồng tử cung như bình thường mà nằm tại vị trí sẹo mổ lấy thai. Bệnh có thể diễn tiến đến biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng như xuất huyết âm đạo ồ ạt gây mất máu khối lượng lớn gây sốc mất máu, thậm chí tử vong; khối thai xuyên thủng hoặc phát triển to gây vỡ tử cung, phải mổ cắt tử cung, truyền máu...
Hình ảnh minh họa thai bám sẹo mổ lấy thai cũ. (Nguồn Internet)
Thai phụ đã từng mổ lấy thai cần đi khám thai ngay khi trễ kinh, đặc biệt khi có tình trạng ra huyết âm đạo cho dù rất ít. Việc chẩn đoán càng sớm, điều trị càng có hiệu quả, giảm các biến chứng không mong đợi như mất máu, vỡ tử vung, bị cắt tử cung, truyền máu, tử vong.
Bằng các kỹ thuật can thiệp đa dạng như hủy thai, hút thai, đặt bóng foley, mổ nội soi hay mổ hở… các bác sĩ sẽ lấy khối thai ra nhằm bảo vệ tính mạng cho người mẹ. Các kỹ thuật này tương đối phức tạp, cần được thực hiện tại cơ sở y tế có phòng mổ và có máu dự trữ để cứu sống bệnh nhân trong trường hợp mất máu nhiều.