Mới đây, bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM đã phải chấm dứt thai kỳ của thai phụ Huỳnh Thị B. (36 tuổi, quê Long An) ở tuần thai thứ 12 do thai bám vào sẹo mổ cũ. Đây là lần mang thai thứ ba của chị B. và cả hai lần sinh trước chị đều sinh mổ. Lần “vỡ kế hoạch” này, chị có thai chỉ cách kỳ sinh mổ trước đúng bảy tháng.
Các bác sĩ (BS) nhận định, với những trường hợp như của thai phụ B, nếu không đình chỉ thai kỳ sớm, có thể sẽ gây vỡ tử cung, băng huyết, rất nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.
Một trường hợp khác là trường hợp của thai phụ Nguyễn Thị L (32 tuổi, ngụ TP.HCM). Cách nay 10 năm, chị L. đã sinh lần một bằng phương pháp sinh mổ. Lần sinh này chị L đã phải nhờ tới phương pháp thụ tinh ống nghiệm, nhưng thật không may là ở lần khám lúc thai 7 tuần, BS đã phát hiện thai bám vào sẹo mổ lấy thai và không thể dưỡng thai thêm được.
BS.CK II Văn Phụng Thống, Trưởng khoa phụ, BV Từ Dũ, cho biết thực tế có rất nhiều trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũ nhưng thai phụ không hề biết do không có triệu chứng cụ thể. Chỉ đến khi thai phụ thấy đau bụng, bị ra máu kéo dài, đi khám mới phát hiện bị thai bám vào sẹo mổ.
Cũng theo BS Thống, mỗi năm bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận rất nhiều ca sinh, trong đó tỉ lệ mổ lấy thai chiếm từ 40-50% số ca sinh. Thống kê thai bám ở sẹo mổ lấy thai qua các năm cho thấy, năm 2014 có 869 ca, năm 2015 là 1.102 ca, đến năm 2016 con số này lên đến 1.240 ca. “Tỷ lệ này đang có xu thế gia tăng do tăng tỷ lệ mổ lấy thai tăng và sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh”, BS Thống nói.
Theo BS Thống, thai bám sẹo mổ lấy thai là một dạng thai ngoài tử cung đặc biệt. Theo lẽ thường, khi trứng đã thụ tinh ở ống dẫn trứng thì vài ngày sau, trứng sẽ di chuyển vào buồng tử cung và phần lớn trứng thụ tinh sẽ bám ở lòng tử cung. Nhưng với những thai phụ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, một số trứng không đi vào tử cung mà bám lại ở vết mổ cũ và làm tổ ở đó.
Thai bám vết mổ cũ không có triệu chứng điển hình, nhưng khi thai phụ từng mổ lấy thai khi thấy xuất hiện những triệu chứng như trễ kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo… cần phải đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân, xử lý kịp thời. Với nhiều trường hợp, hầu như không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi đi khám thai định kỳ.
Việc xử lý thai bám sẹo mổ cũ tùy thuộc vào tuổi thai, kích thước túi thai, nguyện vòng còn sinh sản của bà mẹ và tình trạng huyết động học. Trong trường hợp tuổi thai nhỏ hơn 8 tuần, BS sẽ đặt một ống foley để đẩy khối thai ra khỏi vết mổ rồi hút thai sau 24 giờ. Trường hợp tuổi thai từ 8 đến dưới 14 tuần, BS sẽ sử dụng phương pháp hủy thai.
“Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào phòng tránh được bệnh lý trên. Một sự chuẩn bị an toàn cho những sản phủ đã từng mổ lấy thai là phải ngừa thai cho hữu hiệu ít nhất 2 năm nếu muốn có thai lại, khi có thai lại phải đi khám sớm và theo lịch hẹn của BS để có thể phát hiện thai bám ở sẹo mổ lấy thai và các bất thường khác”, BS Thống khuyến cáo.