Mất tiền vì mua nhà container giá rẻ trên mạng

(PLO)- Lừa rao bán nhà container giá rẻ trên mạng xã hội, dù là chiêu trò cũ nhưng vẫn có người mắc bẫy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, anh LMH (ngụ TP.HCM) cho biết anh đã bị lừa khi mua nhà container trên mạng xã hội.

Cụ thể do có nhu cầu trang trí cho khu vườn của mình ở Đà Lạt, anh đã tham gia một hội nhóm trên mạng xã hội có tên “Nhà container - nhà lắp ráp giá rẻ” để đặt mua một nhà container. Sau khi thực hiện giao dịch chuyển tiền để mua nhà thì anh bị chặn liên lạc…

Mắc bẫy vì chiêu lừa giá rẻ

Anh H cho biết sau khi tham gia hội nhóm trên, anh thấy được tài khoản có tên “Phòng kinh doanh” đăng tải bài viết với nội dung rao bán một căn nhà container giá rẻ đã qua sử dụng có giá 22 triệu đồng, có sẵn máy lạnh, mua về là sử dụng được ngay. Tài khoản này còn cam kết sẽ giao nhà tận nơi cho người mua.

Sau khi tham khảo vài nơi, anh H nhận thấy nhà container này được thanh lý với giá khá rẻ nên đã chủ động nhắn tin cho tài khoản này để hỏi mua.

Dự định của anh là mua nhà container giá rẻ này về Đà Lạt nên anh trao đổi lại với bên bán là không cần máy lạnh thì người này giảm cho anh còn 19 triệu đồng. Sau đó, người này yêu cầu anh chuyển cọc để chắc rằng sẽ mua. Tuy nhiên, anh không đồng ý và nói rằng muốn đến tận nơi để đặt cọc. Lúc này, họ cho biết có người định đặt cọc nếu anh H có thiện chí mua thì đặt cọc 5 triệu đồng để họ giữ hàng.

nhà container giá rẻ
Tài khoản đã đăng tải bài viết bán container trên mạng xã hội để lừa đảo. Ảnh: NVCC

Do nghĩ cọc cũng không nhiều tiền nên anh đã chuyển tiền nhưng sau đó người này tiếp tục đưa ra lý do là chắc sẽ bán cho anh để thuyết phục anh chuyển thêm 4,5 triệu đồng nữa. Khi vừa chuyển tiền xong thì họ cũng xóa bài biết trên nhóm, anh cho rằng họ chốt cho mình rồi nên xóa.

“Qua ngày hôm sau, tôi thấy họ đăng lại bài viết có nội dung bán, mua nhà container giá rẻ, tôi mới nhắn hỏi vì sao lại đăng bài nhưng họ không trả lời. Tôi mới vào lại bài viết đó và thấy rất nhiều nạn nhân bình luận đây là lừa đảo. Lúc này tôi liên hệ với người bán thì đã bị chặn mọi liên lạc. Qua sự việc này, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình để mọi người cảnh giác, tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo” - anh H nói.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ có anh H mà còn có một số bạn đọc cũng bị lừa mất tiền cùng chiêu trò mua nhà container giá rẻ trên.

Tìm hiểu kỹ thông tin người bán trước khi giao dịch

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết nhu cầu mua nhà container giá rẻ cũ làm văn phòng, nhà ở, kho chứa hàng ngày càng được nhiều người sử dụng do tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, việc mua bán qua các diễn đàn, mạng xã hội ngày càng tiện lợi. Cũng vì lẽ đó mà nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán container của một số người để lừa đảo trục lợi.

Để không bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo, người mua cần cẩn thận, tìm hiểu kỹ thông tin người bán, sản phẩm trước khi đưa ra quyết định. Nên tìm đúng chỗ, đúng đơn vị chuyên cung cấp, kinh doanh mua bán container uy tín trên thị trường. Yêu cầu cung cấp địa chỉ để trực tiếp đến xem và đánh giá trước khi đặt cọc…

Theo vụ việc mua nhà container giá rẻ mà anh H chia sẻ, hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, căn cứ Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị áp dụng hình phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm tù, cao nhất có thể bị áp dụng hình phạt tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu quá trình điều tra, xác minh không có dấu hiệu hình sự thì người phạm tội có thể bị xử phạt hành chính căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản…

Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, nạn nhân cần thu thập và lưu lại bằng chứng như CCCD của đối tượng, sao kê chuyển khoản, số điện thoại, ghi âm cuộc gọi hoặc tin nhắn xác nhận người này đã nhận tiền nhưng cố tình không trả…

Sau đó nhanh chóng làm đơn tố giác và gửi toàn bộ tài liệu, chứng cứ tới cơ quan điều tra nơi cư trú hoặc trực tiếp đến cơ quan công an trình báo. Việc này giúp cơ quan chức năng có các biện pháp kịp thời ngăn chặn, lấy lại tiền cho nạn nhân cũng như không để đối tượng tiếp tục lừa đảo.

Đồng thời, người bị hại cần đến điểm giao dịch gần nhất của ngân hàng mình đăng ký tài khoản, cung cấp các hóa đơn, biên nhận chuyển tiền để báo cáo lừa đảo và yêu cầu ngân hàng hỗ trợ dừng mọi giao dịch.

Kiểm tra thông tin người nhận trước khi chuyển tiền

Trước khi chuyển tiền cọc thực hiện giao dịch thì người chuyển phải thật cẩn thận. Người chuyển cần kiểm tra thông tin của người đang giao dịch với mình, có thể là địa chỉ, website… đã rõ ràng hay chưa. Nếu thông tin chưa rõ ràng, không biết thông tin, lịch sử làm việc của người đang giao dịch với mình thì khả năng bị mất tiền rất cao.

Để kiểm tra, sau khi yêu cầu người nhận tiền cung cấp thông tin, chúng ta có thể lên mạng tìm kiếm xem những thông tin họ cung cấp có những hoạt động nào và có liên quan đến việc lừa đảo hay không...

Ông VÕ ĐỖ THẮNG, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm