Bạn đọc đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ phụ nữ mang thai cũng được phép hiến máu?”, “Máu được xử lý ra sao để đảm bảo an toàn cho người nhận?”.
Để làm rõ vấn đề trên, Pháp Luật TP.HCM đã tìm đến các chuyên gia.
Bà Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, cho biết trung tâm không nhận máu hiến từ phụ nữ đang có kinh, mang thai, vừa hết kinh nguyệt hoặc mới sinh và nuôi con dưới 12 tháng để đảm bảo sức khỏe cho chính phụ nữ và thai nhi.
“Trước khi hiến máu, người hiến phải khai đầy đủ những thông tin trong phiếu đăng ký hiến máu. Do vậy, những phụ nữ rơi vào các trường hợp trên bắt buộc phải khai chính xác. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp “lọt lưới” do người hiến máu khai không trung thực” - bà Tố nói.
Trong trường hợp lọt qua “cửa ải” nói trên, liệu có ông nào “xui xẻo” nhận đúng máu của phụ nữ mang thai và tự rước họa vào thân?
PSG-TS-BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu-Huyết học TP.HCM, cho biết máu sau khi nhận từ người hiến sẽ được xét nghiệm sàng lọc các yếu tố lây lan (HIV, giang mai, viêm gan siêu vi B, ký sinh trùng sốt rét…) theo đúng Thông tư 26/2013 của Bộ Y tế. Sau khi đã sàng lọc, chế phẩm máu được kiểm định lần nữa trước khi cung cấp cho các BV.
“Tại BV, trước khi truyền máu cho người có nhu cầu, BV xác định lại nhóm máu của người bệnh và nhóm máu ghi trên túi máu. Tiếp theo, BV sẽ thực hiện các phản ứng “thuận-hợp” giữa máu của người nhận và túi máu. Nếu không có phản ứng xảy ra thì khi đó mới truyền máu. Không chỉ vậy, BV cũng phải theo dõi sát bệnh nhân sau khi đã truyền máu 15 phút. Thực hiện đúng các quy trình trên sẽ đảm bảo an toàn truyền máu cho người bệnh. Quy trình trên áp dụng cho tất các nhóm máu, không phân biệt máu hiến là của nam giới, phụ nữ chưa mang thai hoặc phụ nữ mang thai” - BS Dũng giải thích.
Máu hiến đang được kiểm định. Ảnh: TRẦN NGỌC
Đề cập đến máu của phụ nữ chưa mang thai và phụ nữ mang thai, ông Dũng nói các yếu tố về mặt sinh học không khác nhau. “Tuy nhiên, chỉ số hồng cầu của phụ nữ mang thai sẽ thấp hơn do máu loãng và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi. Tình trạng trên dẫn đến hiện tượng thiếu máu nhẹ nhưng ở mức độ chấp nhận được, không ảnh hưởng thai phụ” - ông Dũng giải thích thêm.
Đề cập đến những nguy cơ có thể xảy ra khi hiến máu, ThS-BS Huỳnh Thị Chiêu Oanh, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết truyền máu với một lượng lớn, tốc độ truyền quá nhanh trên một bệnh nhân có các bệnh lý đi kèm có thể gây tổn thương phổi cấp tính. Hiện tượng trên xảy ra không phân biệt máu truyền là của nam giới, phụ nữ không mang thai hoặc phụ nữ có thai.
“Bên cạnh đó, truyền không đúng nhóm máu hoặc do phản ứng của cơ thể đối với nhóm máu lạ (phản ứng dị ứng) cũng có thể gây ra tình trạng tổn thương phổi cấp tính” - ThS-BS Oanh cho biết thêm.