Nâng niu kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” về thành tích 40 lần hiến máu nhân đạo, bà Lưu Thị Hương Vân, ngụ đường Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM, rùng mình khi nhớ lại những chuỗi ngày cơ cực phải đi bán từng giọt máu để đổi lấy tiền.
Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại
Cách đây hơn 15 năm, gia cảnh túng quẫn khi lo chạy vạy cho bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn bằng đồng lương tạp vụ ít ỏi, bà Vân làm liều đi bán máu khi nghe người cùng xóm rỉ tai: “Khổ quá thì đi bán máu đi”. “Ban đầu thấy người ta lụi kim tiêm vào người thì sợ lắm, tính bỏ về nhưng nghĩ đến con cái ở nhà nên liều luôn. Từ đó mỗi tháng tôi đều đi bán, hình như mỗi lần kiếm cũng được 180.000 đồng mà thời điểm đó là lớn lắm. Gần Tết đi bán máu có tiền sắm Tết là mừng lắm” - bà Vân nhớ lại lần đi bán máu đầu tiên ở BV Từ Dũ.
Đi bán máu được gần hai năm thì tình cờ ở xóm, con của một người bạn bị bệnh nguy kịch cần truyền máu, bà Vân không ngần ngại đến trực tiếp bệnh viện hiến vì tự tin vào chất lượng máu hiến của mình. “Ở bệnh viện, tôi gặp rất nhiều bệnh nhân cần máu mà còn khổ hơn mình nên mới thấy ý nghĩa của câu nói giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại” - bà Vân bắt đầu suy nghĩ về việc hiến máu.
Tình cờ, lúc đó phường vận động người cho máu tình nguyện nên bà Vân liền đăng ký. Biết hoàn cảnh bà Vân khó khăn, phường cũng thường xuyên quan tâm, vận động trao quà giúp gia đình. Số lần bà đi bán máu dần ít đi cho đến khi dứt hẳn. Bà Vân suy nghĩ: “Lớp đi bán máu, lớp đi hiến cho bên phường thì sức đâu chịu nổi mà máu cũng không được chất lượng nữa. Thôi thì thà cho đi máu của mình mà còn giúp được nhiều người”. Bà Vân khoe: “Nhờ hiến máu mà thay máu hay sao ấy, tôi chẳng đau ốm gì, mỗi lần đi hiến máu đều hiến mức tối đa là 450 ml. Hiến xong là khỏe re, đi làm liền chứ không phải nghỉ ngơi”.
Bà Nguyễn Thị Nga 30 lần hiến máu tình nguyện và bà Lưu Thị Hương Vân 40 lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: HOÀNG LAN
Hiến máu làm công đức
Nghe bà Vân kể lại quãng thời gian khó khăn khi phải bán đi từng giọt máu, bà Nguyễn Thị Nga, ngụ đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, TP.HCM, gật gù đồng cảm. Đợt này, bà Nga được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ vì thành tích 30 lần hiến máu. Cũng những năm 2000, bà Nga thôi chồng. Công việc buôn bán linh tinh không gánh vác hết hai con nhỏ đang học lớp 1, lớp 2 và đàn em út đông, nợ nần chồng chất. BV Chợ Rẫy và Từ Dũ là hai địa điểm bà thường lui tới để bán máu.
Bà Nga kể: “Để bán máu, nhiều người còn xuống tận Long An. Mỗi lần bán được trăm mấy nên cũng xoay xở được. Ở các bệnh viện luôn có “cò” cho mượn tiền lấy lãi cao, 100.000 đồng thì lấy lãi 30.000 đồng. Hiến máu thì phải thử máu trước, ngày sau đến hiến chứ không lấy liền được, còn nếu hiến cho bệnh nhi thì cần đến hai ngày thử máu nên đi lên đi xuống cũng tốn kém, “cò” biết thế nên gạ cho mượn tiền, khi lãnh tiền bán máu ra chặn lấy cả gốc lẫn lãi liền. Ngoài ra, “cò” còn đặt cục gạch xếp hàng chờ thử máu, ai đi thử máu mà muốn nhanh thì mua tiền đặt gạch mỗi lần 20.000 đồng”.
Đi bán máu liên tục ba năm, bà Nga cảm thấy sức khỏe sa sút. Đi thử máu bị từ chối nhiều lần vì tụt hồng cầu nên bà Nga tính ngưng một thời gian. Thời điểm đó phường và bà con lối xóm cũng nắm được hoàn cảnh bà Nga nên thường giúp đỡ bà trang trải cuộc sống. Đến khi có đợt vận động hiến máu, bà Nga liền tham gia với suy nghĩ làm công đức vì từng nhận được sự giúp đỡ của người khác. Hai người con của bà Nga nay đã lớn cũng theo mẹ hiến máu, riêng con gái của bà đã hiến được gần 20 lần.
Hiện tại bà Vân và bà Nga vẫn không khá giả gì, bà Vân sau buổi lễ tuyên dương vẫn tất tả chạy về làm công việc tạp vụ đầu tắt mặt tối nhưng ở họ luôn có sự giàu có về tinh thần và tấm lòng nhân hậu.
61 lần hiến máu, năm lần trực tiếp cứu bệnh nhân Nằm trong danh sách đại biểu tham dự tôn vinh 100 người hiến máu Việt Nam năm 2017 và sự kiện toàn cầu “Ngày quốc tế người hiến máu 14-6” năm nay có ông Trần Nguyên Dũng, ngụ phường Bình Chiểu (Thủ Đức), với 61 lần hiến máu. Ông Dũng cho biết tình cờ đến với việc hiến máu nhân đạo khi cùng đồng đội góp máu để cứu con của một đồng đội mổ thay van tim khi đang công tác tại Quân đoàn 4 vào năm 1997. Ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp, hiện cậu bé ngày ấy đã là thanh niên. Cảm nhận được ý nghĩa cứu người của việc hiến máu, ông hăng hái đăng ký đội hiến máu tình nguyện của TP. Cho đến nay, ông đã năm lần tham gia hiến máu trực tiếp cứu bệnh nhân mổ tim. Có một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi là lần bỏ công việc để đạp xe đạp từ Sóng Thần lên BV Nguyễn Tri Phương thử máu và hôm sau lại lên tiếp để truyền máu trực tiếp cho một bệnh nhi bị tim. Gia đình bệnh nhân xúc động vì nghĩa cử của ông nằng nặc đòi hậu tạ nhưng ông từ chối và tặng lại phần quà mình được nhận cho gia đình nọ. Ông tâm sự: “Nếu cơ thể còn cho phép thì mỗi lần tôi đều sẽ hiến mức tối đa là 450 ml vì muốn chia sẻ nhiều hơn nữa với người khó khăn và mong muốn mỗi người cùng góp sức để chia sẻ gánh nặng với nhiều người khó khăn hơn”. Noi gương cha, cậu con trai sinh năm 1993 của ông cũng đã hiến máu được 13 lần. _____________________________ Ban chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo TP.HCM, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM vừa tổ chức chương trình “Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu TP.HCM năm 2017” hưởng ứng ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6. Tại buổi lễ, Ban chỉ đạo khen thưởng 752 cá nhân đã tham gia hiến máu nhân đạo trên địa bàn TP. Trong đó, 74 cá nhân hiến máu tình nguyện 40 lần được trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”, 186 cá nhân hiến máu tình nguyện 30 lần được tặng bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và 492 cá nhân hiến máu tình nguyện 20 lần được UBND TP tặng bằng khen. |