Chiều 9-1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, đã trao đổi với báo chí về việc bộ này đưa ra hai phương án hiến máu bắt buộc và hiến máu tự nguyện trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Phương án 1 làm tăng chi phí
Theo tính toán lý thuyết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước đang phát triển cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy, mỗi năm Việt Nam với gần 90,5 triệu dân sẽ cần 1,8 triệu đơn vị máu. Thực tế hiện nay lượng máu thu được các năm mới chỉ đáp ứng 45% nhu cầu về máu.
Để khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị, tại tờ trình dự án luật, Bộ Y tế đề xuất hai phương án. Phương án 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện một năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Phương án 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.
Giải thích rõ hơn về hai phương án, ông Quang cho biết với dân số Việt Nam hiện nay là gần 90,5 triệu người, nếu áp dụng phương án 1 thì trong một năm nước ta sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu). Như vậy sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương án 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội. Cụ thể, hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỉ đồng, trong đó quỹ BHYT sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỉ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỉ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 580 tỉ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Hiến máu tự nguyện là nghĩa cử cao đẹp của nhiều người dân TP.HCM. Ảnh: HTD
Phương án 2 phù hợp với thực tiễn
Vì lẽ trên trong dự thảo luật, ban soạn thảo thống nhất lựa chọn phương án 2 là hiến máu tự nguyện. “Bộ Y tế đề xuất nên lựa chọn phương án 2 để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế, cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội” - ông Quang nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Y tế, tham khảo pháp luật quốc tế cho thấy toàn bộ quốc gia có ban hành luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân.
Theo ông Quang, quan điểm của người xây dựng luật là làm sao để luật phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội, từ đó luật mới đi vào cuộc sống. Do vậy, khi xây dựng dự án luật nói chung và dự thảo luật này nói riêng, Bộ Y tế đã đưa ra hai phương án, trong đó có phương án nhạy cảm (phương án 1 là hiến máu bắt buộc) - phương án giả định để rộng đường dư luận, qua đó báo cáo đánh giá tác động của luật này.
“Luật nào cũng vậy, ban soạn thảo sẽ đưa ra nhiều phương án để mọi người bàn bạc và lấy ý kiến của nhân dân, xã hội. Khi thống nhất thì sẽ trình phương án tối ưu nhất tới Quốc hội để các đại biểu ấn nút thông qua” - ông Quang cho biết.
Được biết thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật là vào kỳ họp thứ 7 năm 2018 và thông qua dự án luật vào kỳ họp thứ 8 năm 2018 của Quốc hội.
Số liệu mới nhất của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết hiện cả nước đã vận động gần 1,4 triệu đơn vị máu, đáp ứng được 109% kế hoạch năm 2016, tăng 19% so với năm 2015, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh viện tuyến trung ương và địa phương. |