Vụ máy bay AirAsia chở 162 người mất tích và vụ cháy chết 6 người trong một căn nhà ở Hải Phòng làm tôi liên tưởng đến khái niệm rủi ro và tai họa.
Máy bay dù là phương tiện vận tải có tỉ lệ an toàn cao nhất nhưng rủi ro vẫn xảy ra. Những người dân đang yên giấc trong căn nhà của mình tưởng cũng rất an toàn nhưng tai họa vẫn ập xuống.
Lần đầu tiên đi máy bay, tôi cứ thắc mắc trong đầu, tại sao phương tiện đi lại được xem là an toàn bậc nhất này trước khi xuất phát lại phải thông báo, hướng dẫn tỉ mỉ về cách sử dụng áo phao, cách đeo mặt nạ, nơi thoát hiểm…? Tại sao tai nạn giao thông xảy ra triền miên, chết người liên tục nhưng những chuyến xe khách đường dài ở nước ta lại không làm điều tương tự?
Sau một vài chuyến đi bình yên, mỗi khi lên máy bay tôi chẳng còn chú ý đến những lời hướng dẫn cách lấy áo phao hay đeo mặt nạ. Cho đến một ngày, trong chuyến đi miền Trung tác nghiệp về bão lũ, tôi mới biết thế nào là cảm giác “rớt tim” khi máy bay gặp thời tiết xấu, chao lắc, rơi tự do một đoạn. Và sau giây phút sợ hãi ấy, tôi mới nhận ra những thông tin hướng dẫn về cách thoát hiểm tưởng chừng thừa thải trước mỗi chuyến bay sẽ có lúc cần thiết đến chừng nào.
Thường, những thứ được xem là “an toàn tuyệt đối” dễ khiến người ta chủ quan, bất ngờ và lúng túng khi sự cố xảy ra.
Vụ nổ các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Fukusima, nước Nhật trong thảm họa động đất – sóng thần lịch sử năm 2011 là một ví dụ. Ba năm sau thảm họa, đến nay lượng đất nhiễm phóng xạ ở đây vẫn chưa được xử lý. Hiện nguồn phóng xạ vẫn còn lởn vởn trong môi trường, nỗi ám ảnh của người dân về sự mất an toàn từ các nhà máy điện hạt nhân vì thế cũng chưa thể nguôi ngoai…
Cách đây ba tháng, trong chuyến tập huấn về báo chí khoa học tại Nhật Bản, tôi có hỏi các chuyên gia hàng đầu về điện hạt nhân của Nhật về sự cố này. Rằng, trước khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Fukusima, họ đã nói với người dân thế nào về sự an toàn của nhà máy? Sau thảm họa động đất - sóng thần - nổ các lò phản ứng, họ phải giải thích ra sao để tái khởi động lại nhà máy này?”.
Một giáo sư từng tham gia dự án, cho biết, trước khi xây nhà máy họ khẳng định nó an toàn tuyệt đối. Sau khi xảy ra sự cố, họ phải thừa nhận rằng, rủi ro là điều có thể xảy ra. Nếu nhà máy tái khởi động lại, các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố phải được thiết lập. Việc khẳng định “an toàn tuyệt đối” là sự sai lầm, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến niềm tin của người dân Nhật về điện hạt nhân bị tổn thương.
Ở nước ta, trước đây những tai họa do thiên nhiên gây ra cũng thường được cho là rủi ro bất khả kháng. Tại miền Trung, mỗi khi có bão to, lũ lớn, người chết rất nhiều. Miền Tây cũng vậy, mỗi khi lũ về, tang thương khắp chốn. Những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, mỗi khi mưa dông, gió lốc cũng có cây ngã đè bẹp xe, chết người. Không ít tai nạn xảy ra trong xây dựng, tai họa chết người do hỏa hoạn … cũng được đổ lỗi tại rủi ro, như “cao ốc sụp do sự cố rủi ro về địa chất”, “nhà cháy do mưa làm rò rỉ điện”…
Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể kéo giảm thiệt hại từ những tai họa do thiên nhiên gây ra. Như ở miền Trung, có những dự án - chương trình giúp dân kiên cố nhà cửa, xây hầm trú bão, còn có công tác dự báo sớm, di dời dân kịp thời … nên những thiệt hại về người và của trong những trận lũ - lụt cũng đã được kéo giảm. Hay ở miền Tây, sau khi áp dụng các mô hình “sống chung với lũ” không ít nơi đã biến nỗi tang thương thành lợi thế - sinh kế - kiếm tiền.
Ở các thành phố, nếu chúng ta nghiên cứu trồng những loại cây xanh có khả năng chịu được sức gió tốt hơn, công tác chăm sóc tốt hơn, phòng ngừa sự cố tốt hơn … thì tai họa do cây ngã cũng sẽ giảm dần. Nếu công tác phòng cháy chữa cháy được thực hiện tốt hơn thì những tại họa thương tâm như ở Hải Phòng cũng sẽ không lặp lại...
Với những tai nạn máy bay xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, tôi nghĩ các hãng hàng không, không chỉ của Malaysia mà nhiều quốc gia khác cũng sẽ có những nỗ lực để cải thiện về công tác đảm bảo an toàn bay, hạn chế thấp hơn nữa những rủi ro. Có như thế mới lấy lại niềm tin của hành khách…
“Điều hay là học được sự thận trọng qua những rủi ro của người khác”. Đây là một trong những câu nói tôi luôn nhớ để nhắc nhở mình. Tôi nghĩ, việc học cách nhìn thấy tai họa của mình từ sự rủi ro - bất hạnh của người khác là cần thiết. Nếu cứ xem rủi ro là điều bất khả kháng thì tai họa sẽ ập đến càng nhiều.