Máy bay lớn nhất thế giới hạ cánh bằng mũi khi bay thử

Chiếc máy bay lớn nhất thế giới Airlander vừa gặp sự cố, phải hạ cánh bằng mũi trong lần bay thử thứ hai ngày 24-8 ở TP Bedfordshire (đông nước Anh), theo báo Daily Mail (Anh).

Hình ảnh từ video quay lại cho thấy chiếc Airlander lơ lửng trên không, rồi từ từ tiếp đất bằng mũi.

Toàn bộ phi hành đoàn đều an toàn. Buồng lái chiếc máy bay đã bị hư hỏng đáng kể. Hãng sản xuất Hybrid Air Vehicles (Anh) cho biết chiếc Airlander đã bay 100 phút, hoàn thành mọi nhiệm vụ đề ra trong chuyến bay trước khi trở về sân bay Cardington và gặp sự cố. Hiện Hybrid Air Vehicles đang xác định nguyên nhân.

Chiếc Airlander được sửa chữa trên đường băng sân bay Cardington ở TP Bedfordshire (Anh) sau cú hạ cánh bằng mũi trong lần bay thử thứ hai ngày 24-8. Ảnh: AP

Lần bay thử đầu tiên của chiếc Airlander là vào ngày 17-8. Lần đó chiếc Airlander bay một vòng quanh sân bay Cardington và hạ cánh nửa giờ sau đó. Để được đưa vào sử dụng, chiếc Airlander 10 phải trải qua 200 giờ bay thử.

Chiếc Airlander dài 92m - dài hơn máy bay chở khách lớn nhất thế giới 15 m, rộng 44 m, cao 26 m, có động cơ hybrid sử dụng cả xăng và điện, được thiết kế tiết kiệm nhiên liệu nhưng có thể chở tải trọng nhiều hơn máy bay thông thường. Chiếc Airlander vừa là máy bay, vừa có thể xem là trực thăng khi bay với vận tốc 160 km/giờ, vừa có thể là khinh khí cầu vì có thể lơ lửng trên không năm ngày liền nhờ khí helium.

Chiếc Airlander nằm trên đường băng sân bay Cardington ở TP Bedfordshire (Anh) sau cú hạ cánh bằng mũi trong lần bay thử thứ hai ngày 24-8. Ảnh:DAILY MAIL

Chiếc Airlander trị giá 25 triệu bảng (hơn 734 tỉ đồng), ban đầu được phát triển cho quân đội Mỹ sử dụng trong công tác do thám ở Afghanistan, nhằm cung cấp thông tin tình báo hỗ trợ các chiến dịch của binh sĩ Mỹ theo một chương trình phát triển công cụ tình báo của Mỹ. Tuy nhiên, chương trình này đã bị hủy vào năm 2013 vì kinh phí quốc phòng của Mỹ bị cắt giảm.

Hybrid Air Vehicles giữ lại chiếc Airlander với ý định cải tiến nó cho mục đích dân sự. Theo Hybrid Air Vehicles, chiếc Airlander có thể được sử dụng với nhiều chức năng: giám sát, liên lạc, vận tải, chuyển hàng cứu trợ, chở hành khách.

Hybrid Air Vehicles hy vọng sẽ đi vào sản xuất đại trà máy bay Airlander vào năm 2021 với sản lượng 10 chiếc mỗi năm. Ngoài ra hãng còn có kế hoạch phát triển máy bay Airlander 50 - có khả năng chở 50 tấn hàng hóa.

Video quay cảnh chiếc máy bay lớn nhất thế giới Airlander hạ cánh bằng mũi:

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới