Trước đó, vào đầu tháng 12, căn cứ không quân Úc tại Darwin cũng trong tình trạng "sẵn sàng cao độ" khi Nga tiến hành các cuộc tập trận. Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận có hai máy bay ném bom Tu-95MS có thể mang theo vũ khí hạt nhân và hơn 100 binh sĩ.
Theo Reuters, đây là cuộc tuần tra trên không đầu tiên của Nga tại Thái Bình Dương từ một căn cứ quân sự ở Indonesia.
Một trong những chuyên gia hàng đầu về an ninh quốc gia của Úc, ông Peter Jennings thuộc Học viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết cuộc tập trận đã cho thấy tham vọng của Nga muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. "Đây là một lời nhắc nhở rằng Nga đang ở đây và muốn trở thành một thế lực trong vấn đề an ninh Thái Bình Dương và sẽ sử dụng quân đội để chứng minh điều đó" - tờ ABC dẫn lời ông Peter Jennings.
Chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Biak của Indonesia, nằm trên hòn đảo phía bắc Papua và bay trên không suốt tám giờ. Theo quân đội Nga, chiếc máy bay này chỉ bay trên các vùng biển trung lập.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Các chuyến bay trên vùng biển trung lập ở Bắc Cực, phía bắc Bắc Cực, biển Đen và biển Caspi và Hạm đội Thái Bình Dương được tiến hành thường xuyên bằng máy bay tầm xa. Tất cả nhiệm vụ của Lực lượng Không gian Vũ trụ Nga đều được thực hiện theo đúng luật hàng không quốc tế".
Lần này, hai máy bay ném bom đã bay từ vùng Amur, phía đông nam Nga đến sân bay Biak, Indonesia. Quân đội Nga cho biết các máy bay này được tiếp nhiên liệu bởi máy bay Il-78 trên biển Thái Bình Dương trên đường tới Indonesia.
Những chiếc máy bay này của Nga còn được mệnh danh là “Gấu”, có thể bay gần 15.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga tìm cách chứng minh tầm ảnh hưởng của mình ở Thái Bình Dương. Theo The Guardian, năm ngoái Nga đã gửi một lô hàng bí mật gồm 20 container vũ khí và thiết bị quân dụng đến Fiji, đối tác khu vực mới của Nga.
Năm 2014, tàu hải quân Nga đã di chuyển tới phía bắc nước Úc, vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở TP Brisbane, Úc và cũng vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước.
Trong một bài báo năm 2015, Alexey Muraviev, một nhà phân tích chiến lược và chuyên gia quân sự Nga tại ĐH Curtin, Úc cho rằng Nga đã tăng cường sự dính líu của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 2000.
Ông Muraviev nhận định rằng căng thẳng Ukraine năm 2014 và nhu cầu đa dạng hóa thương mại đã khiến Moscow quyết tâm hơn trong việc tái hợp với châu Á và Thái Bình Dương”.
Lãnh đạo phe đối lập Úc, bà Tanya Plibersek cho biết Nga dường như đã tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế trong các cuộc tập trận. Bà không đưa ra bình luận gì về phản ứng của lực lượng quốc phòng Úc.
Bà Plibersek nói vào ngày 30-12: "Tôi nghĩ rằng việc một quốc gia tiến hành tập trận phải tuân theo luật pháp và thông lệ quốc tế là rất quan trọng và đây là một trường hợp như vậy”.
Ông Jennings cho biết lực lượng quốc phòng Úc có thể đã lo ngại rằng các máy bay ném bom của Nga được dùng để thu thập thông tin tình báo.