Tại tòa, bị cáo Tiến khai rằng bị cáo sống bằng nghề may gia công quần áo. Đầu năm 2011, một người đàn ông tên Thịnh đến đặt bị cáo hàng quần may theo mẫu quần Adidas với giá 20.000 đồng/cái. Do ham lợi nhuận, đồng thời muốn tạo công ăn việc làm cho gia đình, lại không ý thức được việc mình làm là trái pháp luật nên bị cáo đã nhận lời may. Trên đường giao chuyến hàng đầu tiên, thợ của bị cáo đã bị công an bắt quả tang.
Đại diện Công ty Adidas Việt Nam xác định hành vi của bị cáo chưa gây thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, công ty này vẫn có đơn yêu cầu khởi tố (theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật TTHS, đối với loại tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo khoản 1 điều 171 của Bộ luật hình sự thì chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại). Bị cáo Tiến bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 171 BLHS, với mức án cao nhất là cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Tòa xét thấy bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, hành vi của bị cáo chưa gây thiệt hại và chưa thu lợi nên đã áp dụng biện pháp phạt tiền là hình phạt chính.
LỆ TRINH
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp 1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điều 171 BLHS |