Mẹ, con và ma túy - Bài 2: Giành lại con từ thần chết

Năm 2001, thấy con có những biểu hiện lạ, hay vắng học rồi bỏ nhà đi, bà Nguyễn Thị Bích (quận Thủ Đức, TP.HCM) cố gắng hỏi han, tâm sự nhưng con vẫn không nói. Chỉ đến khi công an bắt một số người bán ma túy ở cổng trường học của con, bà mới điếng người khi biết con mình đã nghiện.

Tìm con giữa muôn trùng

Ban đầu, bà Bích dường như bất lực. Thương con, bà chỉ biết khóc ròng rã nhiều đêm liền. Do chưa hiểu gì về ma túy nên khi con bỏ nhà đi theo bạn bè, bà chưa nghĩ đến chuyện cai nghiện mà chỉ biết làm mọi cách để đưa con về nhà.

Suốt hơn một năm trời, cứ bán hàng xong vào buổi sáng, một mình bà lại tất tả đội nón lá, đeo khẩu trang lặn lội đi khắp nơi, nhất là các điểm đen về ma túy để tìm con, nhiều khi đến 1-2 giờ sáng mới về đến nhà. Hễ hỏi thăm thấy ở đâu có ổ nghiện là bà lại tìm đến, dù đó là trường học, công viên hay quán cà phê, thậm chí là bãi tha ma.

Có hôm đi tìm con, vì kiệt sức nên bà bị ngất, gục ngã ngay trên vỉa hè, chẳng còn biết gì nữa. May gặp người đi đường tốt bụng đỡ vào trong quán nước nghỉ ngơi, mua nước cho uống rồi hỏi chuyện. Bà kể cho họ nghe mà nước mắt cứ chảy tràn rồi không dám ngồi lâu, bà lại đứng lên để đi tìm con.

Có lần tìm thấy con đang ngủ vật vờ trên một chiếc xe lam, bà nhẹ nhàng đến bên con rồi nước mắt cứ thế tuôn trào, người con giật mình tỉnh dậy rồi hai mẹ con cùng khóc. Bà thuyết phục được con trở về nhưng chỉ được vài hôm nó lại trốn đi vì không cưỡng lại được những cơn thèm thuốc…

Bà Nguyễn Thị Bích đang giao lưu với thanh niên trong chương trình tuyên dương Thanh niên tiến bộ, diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tối 23-10-2011. Ảnh: KHẮC HUY

Bóp nghẹt trái tim người mẹ

Sự kiên trì của bà rồi cũng có kết quả. Cũng từ tình thương đó mà đứa con biết hối cải, tự về nhà và thú nhận tất cả với mẹ và mong mẹ giúp mình từ bỏ ma túy. Để cai nghiện cho con, bà đã tìm hiểu thông tin về ma túy qua sách báo và đến hỏi ý kiến bác sĩ. Sau đó, bà quyết định đưa con đi cai nghiện tại một trung tâm ở Khu công nghiệp Sóng Thần. Tại đây, con bà tình nguyện để bị trói trong phòng, khóa kín cửa, nhịn ăn và chỉ uống nước để vượt qua cơn nghiện.

Những ngày đầu, con bà bị những cơn nghiện làm cho vật vã, mồ hôi toát ra như tắm. Nghe tiếng con la hét trong phòng, trái tim người mẹ như thắt lại nhưng bà chỉ biết đứng ngoài ôm mặt khóc và cầu nguyện cho con. Sau mỗi lần như thế, bà tự tay nấu nước cho con tắm để con mau lại sức. “Thương con lắm nhưng phải nhủ mình không được yếu lòng, phải kiên trì và quyết liệt, phải chiến đấu với bản thân mình mới thực sự giúp con được” - bà chia sẻ.

Suốt hai năm trời, hễ bán hàng xong bà lại một mình đi bộ từ nhà đến Khu công nghiệp Sóng Thần, khăn gói mang đồ ăn tẩm bổ cho con rồi ở lại tâm sự với con. Quãng đường từ nhà đến đấy không phải là gần nhưng bà chỉ đi bộ vì không có ai đưa đi. Có hôm nhịn đói đến thăm con, mới đi đến chân cầu thang của trung tâm, bà khụy xuống vì mệt. Người quản lý ở đó thấy vậy lại mua bánh mì cho bà ăn. Ròng rã như thế suốt bao nhiêu ngày tháng, thiếu ăn, thiếu ngủ bà trở nên héo mòn, từ 50 kg chỉ còn 35 kg.

Sau hai năm, đến năm 2004 thì con bà trở về hoàn toàn khỏe mạnh, đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Nhưng cũng trong năm này, tin buồn ập đến khi bà biết tin con bị nhiễm HIV. Cầm kết quả xét nghiệm dương tính với HIV của con trên tay, bà lặng người đi rồi bà chạy ra ngoài bật khóc, không dám để con nhìn thấy. Tất cả hy vọng của bà như bị dập tắt. Nghe bác sĩ nói căn bệnh này không thể chữa được, cứ nghĩ đến cảnh con mình đang khỏe mạnh nhưng sẽ có một lúc nào đó đột ngột ra đi là nước mắt bà lại chảy dài vì đau đớn và bất lực.

Các học viên cai nghiện tại Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 1 (thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) đang học văn hóa. Ảnh: TB

Hạnh phúc mỉm cười

Tình thương con lại thêm một lần nữa cho bà sức mạnh. Bà động viên mình phải thật mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con. Với suy nghĩ “HIV cũng giống như mọi căn bệnh khác như tiểu đường, ung thư, mà đã là bệnh thì phải chữa”, bà ngày đêm động viên, an ủi con và tìm đến bác sĩ để được tư vấn và cứu con bằng mọi giá.

“Chúng đáng thương chứ không đáng ghét, nếu cha mẹ xa lánh con thì có khác nào dồn con vào bước đường cùng, suy sụp và chết vì thiếu tình thương trước khi bị căn bệnh ấy giết chết. Cho đến bây giờ, tôi vẫn hằng động viên con sống tốt những ngày còn lại, nếu mình cứ sống trong những u ám, buồn sầu, tủi hận, hối tiếc thì không được gì lại hại về sức khỏe và tâm hồn cũng không được thanh thản” - bà nói.

Tin vui đến với bà vì thời điểm này đã có thuốc ARV - một loại thuốc có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, kéo dài sự sống cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, chi phí của loại thuốc này còn rất đắt. Vừa bán hàng, phải nhịn ăn, nhịn mặc, mỗi tháng bà vẫn phải đi vay hơn 2 triệu đồng để mua thuốc và tẩm bổ cho con.

Suốt một tuần đầu, cứ uống thuốc vào, con bà lại ói hết ra khiến lòng người mẹ xót xa, lo lắng, nhiều lần bà khóc nhưng không dám để con nhìn thấy. Chính con bà đã định sẽ không uống nữa vì tốn kém và sợ mẹ vất vả. Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc, vừa đi hỏi ý kiến bác sĩ, vừa động viên con không được bỏ thuốc. Như có phép màu, đến tuần thứ hai thì con bà không còn sợ thuốc, sức khỏe cũng dần hồi phục, hơn một năm sau đã có thể phụ giúp được mẹ trong công việc buôn bán.

Con bà cuối cùng cũng cưới được vợ và có con. Nhờ tìm hiểu kỹ thông tin và biết cách phòng tránh nên đứa cháu nội của bà hoàn toàn không bị nhiễm HIV. Bà vui mừng khôn xiết, tự tay chăm bẵm đứa cháu nội từ lúc lọt lòng và nguyện dành phần còn lại của cuộc đời để cưu mang những con nghiện bị gia đình ruồng bỏ.

Cũng từ kinh nghiệm của chính mình, năm 2005, bà đã cai nghiện tại nhà thành công cho năm thanh niên khác tại địa phương, nhiều người trong số này đều lập gia đình hoặc có công việc ổn định.

“Người nhiễm HIV đã có thuốc để kéo dài sự sống nhưng đằng sau cuộc chiến bằng thuốc là tình thương, sự quan tâm của gia đình để các em có điểm tựa, sống tốt, không làm lây lan thêm ra cộng đồng. Giờ hai vợ chồng nó đang làm việc ở BV Nhân Ái (bệnh viện do Sở Y tế TP.HCM thành lập tại Bình Phước, chuyên chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối - PV). Nếu không có gì thay đổi thì trong năm nay, chính tôi sẽ cùng con về một trung tâm cai nghiện ở Đồng Nai để tư vấn và chăm sóc, tạo việc làm cho những người bị nhiễm HIV, những cô gái lỡ làng để họ không cảm thấy mình đơn độc” - bà cho biết.

Phải đối diện với nỗi đau!

Để tạo môi trường cho những bậc cha mẹ có điều kiện gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc cai nghiện, chăm sóc con, bà Nguyễn Thị Bích cùng một số người đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Gia Đình nhằm hỗ trợ những đứa con bị nghiện. CLB được thành lập từ tháng 2-2011, họp định kỳ vào ngày 12 hằng tháng với gần 20 hội viên đều là những phụ huynh có con nghiện ma túy. Các thành viên được tập huấn, trao đổi với nhau cách chăm sóc người nhiễm HIV, theo dõi, chăm sóc người đang cai nghiện và sau cai. Đây cũng là nơi để các ông bố, bà mẹ chia sẻ, động viên nhau, thường xuyên tổ chức các hoạt động cho con em mình được học tập, vui chơi lành mạnh. CLB cũng thường xuyên bảo lãnh vay vốn, giúp các em sau cai nghiện có nghề nghiệp ổn định.

“Các bậc phụ huynh nên mạnh dạn chia sẻ, mở rộng kiến thức mới có thể giúp con mình cai nghiện thành công và trở thành người có ích. Nếu cứ giấu giếm, sợ hãi thì chẳng thể nào giúp đỡ con được. Không có cách nào tốt hơn để vượt qua nỗi đau là phải đối diện với chính nó” - bà Bích chia sẻ.

KHẮC HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới