Đã 62 năm, chị Hai (tên thật là Nguyễn Thị Hưởng) sống đời nửa tỉnh nửa mê. Chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân của chị do bà Bảy lo liệu. 15 năm nay, khi chồng mất, một mình bà Bảy ở trong ngôi nhà tôn vách lá, mưa dột tứ bề này lo cho đứa con gái kém may mắn. Bốn người con khác có gia đình riêng ở gần đó nhưng cũng không ai khá giả mấy để lo phụ giúp bà.
Bà Bảy đút từng muỗng cơm cho đứa con gái tâm thần. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hằng ngày bà Bảy đi vòng xóm, nhà nào cho lá dừa, lá cau thì bà kéo về nhà để chuốt lấy cọng phơi khô, rồi vác bộ ra chợ bán cho người ta làm chổi. Hơn 10 ngày chuốt cọng dừa bán, bà thu nhập chừng 70.000-80.000 đồng, cộng với tiền trợ cấp mỗi tháng của hai mẹ con được hơn 500.000 đồng một tháng. Gom góp tiền có được bà để mua thuốc, dư thì mua con cá, miếng thịt cho chị Hai dưỡng bệnh. Cơm cá, cơm thịt bà dành hết cho con, riêng bà cơm chan nước tương, nước chao hay dưa chua qua ngày. “Đi kéo lá dừa trong xóm, có bữa bà Bảy bị té dưới mương, bà con thấy lại kéo bà lên, chân tay tê nhức đi đứng khó khăn cũng vì thế” - chị Hồng - con dâu thứ tư của bà Bảy nói.
Ba năm nay chị Hai trở bệnh nặng, liệt nửa thân người bên phải, việc ăn uống, vệ sinh đều tại chỗ do một tay bà Bảy lo hết. Bà che cái chòi lá nhỏ cho chị Hai ở, cạnh đó là chiếc giường bà nằm trong ngôi nhà cũ. Nhà chỉ có hai mẹ con nhưng chưa bao giờ căn nhà được yên tĩnh bởi tiếng gào khóc của chị Hai. Đói cũng khóc, ăn no xong lại la om sòm kèm với tiếng bà Bảy khào khào nói với con những lời ngon ngọt để dỗ dành. “Hai mẹ con nói chuyện vậy chứ có hiểu gì đâu, tôi thì lãng tai, nó thì nói tiếng được tiếng mất” - bà Bảy kể.
Khi được hỏi mong ước của bà những ngày sau này, bà Bảy buồn nói: “Thương con mình sinh ra đã như thế, nó hư chửi nó chẳng biết, bỏ nó cũng không đành. Tôi chỉ mong mình còn sống được ngày nào hay ngày nấy để lo cho con, có được ngôi nhà lành lặn để hai mẹ con không còn kéo cao su che trên nóc mùng mỗi khi mùa mưa tới”.