Mẹ kiện con đòi nhà tình nghĩa

Trong con mắt của những người dự phiên xử ở TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) hôm ấy, bà cụ là một người mẹ thật sự rất đáng thương. Bà cụ tóc trắng như mây, cứ nhắc đến con gái là chỉ biết đấm ngực thùm thụp, khóc rưng rức.

Mẹ già ở căn chòi rách

Một ngày giữa năm 2013, tôi tìm đến căn chòi dựng tạm của bà để xác minh câu chuyện con gái bà mang nhà tình nghĩa của mẹ đi bán. Căn chòi vào mùa triều cường thì nước lên mấp mé chỗ nằm, con ốc bươu vàng mới đẻ ổ trứng đỏ rói gần cửa ra vào. Lối vào kê tạm vài cục đá, gạch. Mái lợp chằng đụp bằng đủ loại lá dừa, tấm fibroxi-măng cũ, bao dứa, mền rách, bìa carton. Quần áo thì túm trong các túi ni lông để ở góc giường.

Số là khi Nhà nước tặng cho căn nhà tình nghĩa (bà là vợ liệt sĩ, cựu tù cách mạng), bà kêu đứa con trai thứ năm dắt vợ con về ở để tiện cho các cháu đi học. Không ngờ con trai bà khi rượu vào là đòi đuổi ông cụ - cũng là cựu tù cách mạng, gá nghĩa với bà hơn chục năm nay - ra đường.

Chẳng đặng đừng, bà đi theo ông để còn sớm tối lo cho nhau. Lúc đầu ông bà cất cái chòi ở chỗ đất trống đang làm dự án mở đường. Nhiều lần nói con trai trả nhà không được, bà kêu con gái lớn (năm nay gần 60 tuổi, đã có cháu ngoại) nhờ chính quyền can thiệp. Vì thế, khi con gái nói bà giao giấy tờ nhà để cô ấy giữ, bà cũng thuận tình.

Tòa tâm tình, rằng cách mình chăm sóc cha mẹ như thế nào thì sau này con cái sẽ chăm sóc mình như thế đấy.  

Nhà nước làm đường, ông bà lại dắt nhau qua bãi đất trống khác gần dạ cầu cất chòi tạm ở để chờ… Bẵng đi một thời gian, khi đứa cháu ngoại tới mè nheo xin tiền, bà mới biết cơ sự. Bà hỏi cháu tiền đâu bà có mà xin, đứa cháu hồn nhiên nói tiền mẹ con bán nhà cho ngoại đó! Lúc này bà mới biết căn nhà tình nghĩa của bà đã bị bán rồi. Vì vậy, bà kiện con gái để lấy lại căn nhà làm nơi thờ cúng người chồng liệt sĩ.

Bảng kê chi tiền lạnh lùng

Tới hỏi con gái của bà thì cô này nói bà yêu cầu bán nhà để lo cho bà. Chính vì vậy nên mẹ con cô mới làm hợp đồng tặng cho căn nhà, ra công chứng lăn tay đàng hoàng, có cả người hàng xóm làm chứng. Cô nói bán nhà được 270 triệu đồng và đã lo cho bà gần hết, chỉ còn lại  khoảng 45-50 triệu đồng. Hai vợ chồng tranh nhau kể công lo cho mẹ già. Con rể bà còn kể đã chạy vạy giấy tờ để cho bà được hưởng các chế độ vợ liệt sĩ, cựu tù cách mạng, người cao tuổi…

Bà thì kể lương của bà do người con đi lãnh giùm rồi về đưa lại cho bà phần chẵn, số dư vài trăm ngàn đồng thì “xén” lại nói là đổ xăng. Sau này biết chuyện, bà mới yêu cầu phường trả lương tận tay cho bà. Bà nói ốm đã có bảo hiểm lo, ăn hằng ngày có tiền lương, ông ở cùng bà cũng có lương. Vậy mà con gái bà lại kê ra nhiều khoản chi cho bà hơn trăm triệu đồng…

Quả con gái bà lập một bảng kê gồm 45 mục chi và một số mục (không đánh số) thể hiện đã chi cho mẹ hết 145 triệu đồng. Các mục chi ghi ngày tháng không theo thứ tự và chỉ thể hiện có hai năm 2010 và 2012. Số tiền mỗi lần chi dao động từ 400.000 đồng đến 25 triệu đồng như “mua quần áo và đồ ăn”, “đám vỗ (chắc là đám giỗ - PV) ba”, “đưa má tiền xài”, “đưa má đi bệnh viện”, “chích thuốc”, “cấp cứu”, “mua sữa cho má”, “mua cua và sữa cho má”…

Toan tính cả với mẹ

Vụ kiện kéo dài nửa năm tòa mới đưa ra xử nên ở tòa, từ người giữ xe đến người bán vé số rất quen mặt bà. Ai cũng thương cảm mỗi khi thấy bà lụm cụm chống cây gậy tre tróc sơn, đi đôi dép đàn ông đã sờn có buộc dây vải đằng sau cho khỏi tuột, ôm khư khư cái bọc ni lông chứa các loại giấy tờ bên người, đội một cái nón lụp xụp và đeo kính râm. Lần nào ra tòa bà cũng khóc.

Hòa giải lần nào con gái bà cũng khăng khăng tùy tòa xử vì cô biết về lý thì trên giấy tờ cô đều đúng cả. Đến khi đưa ra xử, HĐXX không muốn khoét sâu hố ngăn cách của gia đình bà nên tìm cách để con gái bà thương lượng trả thêm cho bà dưỡng già. Tòa không đi vào những khoản liệt kê đáng tính hay không đáng tính của cô. Tòa tâm tình, rằng cách mình chăm sóc cha mẹ như thế nào thì sau này con cái sẽ chăm sóc mình như thế đấy. Cô con gái chịu trả thêm cho mẹ 70 triệu đồng. Nhưng khi rời tòa, bà mẹ già vẫn khóc…

Một tuần sau, bà ra tòa để nhận tiền con gái giao như thỏa thuận nhưng con bà bặt tăm. Con gái nhỏ của bà gọi điện thoại hỏi thì chị trả lời “không nhớ” và “tòa phải ra quyết định đình chỉ thì mới giao tiền”. Tòa bảo người chị phải giao tiền tại tòa thì mới ra quyết định đình chỉ. Cô em gọi điện thoại thông báo cho chị, chị bảo để chiều. Chiều ra thì con rể tới nói chưa có tiền.

Gần một tuần sau nữa, bà gọi tôi tới chứng kiến việc giao tiền. Vợ chồng cô gái lớn kêu người em làm tờ biên nhận 70 triệu đồng cho mẹ và bảo em ký tên, lăn tay. Tuy nhiên, người chị chỉ thực đưa 50 triệu đồng. “Còn thiếu 20 triệu tôi với em tôi thỏa thuận trả sau” - người chị nói cốt để tôi nghe thấy.

Tôi không dám nói với bà cụ. Nhưng bà già nghe được và lại khóc…

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy