Giúp làm đám cưới giả, nhận con…
Trong lúc đau khổ và tuyệt vọng, chị N. đã tìm đến cái chết nhưng may mắn được gia đình anh LĐT (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cứu giúp. Anh T. lúc đó đã có vợ nhưng thương hoàn cảnh tội nghiệp của chị N. nên đưa chị về Huế làm đám cưới giả (không đăng ký kết hôn) để chị N. không bị họ hàng, làng xóm đàm tiếu. Sau đó, anh để chị N. ở lại quê nhà chờ sinh nở. Tháng 9-2003, khi chị N. sinh em bé, anh T. cũng ra Huế, đến ủy ban phường nơi chị N. sống làm thủ tục nhận con và khai sinh cho cháu bé.
Theo chị N., đến nay đã qua nhiều năm, tinh thần của chị đã ổn định, cháu bé con chị cũng đã lớn (gần 14 tuổi), vì nghĩ lâu dài sợ sẽ ảnh hưởng đến gia đình anh T., mặt khác bản thân chị cũng muốn cho con gái theo họ mẹ và xóa tên cha trong giấy khai sinh. Vì vậy, chị đã tìm anh T. bàn bạc, nhờ anh đi xét nghiệm ADN để có chứng cứ nộp cho tòa án yêu cầu xác nhận anh T. không phải là cha ruột của cháu bé. Anh T. đồng ý.
Tòa nói mẹ không có quyền yêu cầu, VKS bảo có
Ngày 17-11-2015, chị N. đã nộp đơn yêu cầu TAND huyện Củ Chi xác nhận anh T. không phải là “cha sinh học” của con gái mình. TAND huyện Củ Chi thụ lý, xác định đây là vụ án hôn nhân gia đình - “tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con”.
Giữa tháng 12-2015, TAND huyện Củ Chi đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chị N. không có quyền yêu cầu. Theo tòa, khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định “người được nhận là cha mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác nhận người đó không phải là con mình”. Như vậy, chị N. (hoặc anh T.) chỉ có quyền yêu cầu tòa xác nhận cháu bé không phải là con mình chứ chị N. không có quyền yêu cầu thay cho anh T.
Mới đây, VKSND huyện Củ Chi đã kháng nghị phúc thẩm, khẳng định chị N. có quyền yêu cầu tòa giải quyết. Theo VKS huyện, khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cha, mẹ, con, người giám hộ có quyền yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự… trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của luật này. (Khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp…).
Như vậy, trong vụ việc của chị N. đã có sự hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau giữa tòa và VKS. Kết quả cuối cùng sẽ do TAND TP.HCM phán quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc.
“Cơ quan hộ tịch không giải quyết” Trao đổi với chúng tôi, luật sư Chu Văn Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng ở trường hợp này, vì anh T. đồng ý xóa tên mình trong khai sinh của cháu bé nên xem như chị N. và anh T. không có tranh chấp. Theo khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của chị N. (cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp). Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vũ (Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM) khẳng định: Hiện nay đối với trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ không tiếp nhận, giải quyết. Theo ông Vũ, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã quy định rất cởi mở, tạo điều kiện để cha nhận con (ngay cả khi không có hôn nhân hợp pháp) nhưng như thế không có nghĩa là “thích thì đứng ra nhận, không thích thì bỏ tên ra”. Trường hợp này là xác nhận lại cha, mẹ, con, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Trước đây, anh T. đã thực hiện việc nhận con rồi, được xác nhận là cha cháu bé trong giấy khai sinh. Nay nếu anh T. không muốn nhận con nữa hoặc ai đó muốn nhận đứa trẻ đó là con của mình thì phải liên hệ với tòa án để xác nhận lại mối quan hệ. Cũng theo ông Vũ, thực tế từng xảy ra nhiều trường hợp lấn cấn tương tự, một số tòa cho rằng không có tranh chấp thì tòa không thụ lý. Vì vậy, Bộ Tư pháp và TAND Tối cao cần phải ngồi lại để có sự thống nhất và có hướng dẫn cụ thể. |