Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, liên quan đến trường hợp tử vong của anh Nguyễn Văn Đức khi đang bị tạm giam, tháng 11-2013, CQĐT VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Cơ quan CSĐT Công an TP Vĩnh Long. Sau đó do không được biết thêm thông tin gì về vụ án này nên gia đình anh Đức nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới CQĐT VKSND Tối cao. Vợ anh Đức cũng đã nhiều lần tìm đến trụ sở Cơ quan đại diện phía Nam của Cục Điều tra VKSND Tối cao nhưng không gặp được người có trách nhiệm.
Ngày 10-11-2015, vợ anh Đức lại đến trụ sở Cơ quan đại diện phía Nam của Cục Điều tra VKSND Tối cao và nhận được văn bản thông báo của đơn vị này với nội dung CQĐT đã trưng cầu giám định một số vấn đề liên quan đến cái chết của anh Đức, trong khi chờ kết quả giám định, CQĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Không đồng tình với nội dung trả lời này, vợ anh Đức lại khiếu nại. Ngày 9-12, chị tiếp tục tìm đến trụ sở Cơ quan đại diện phía Nam của Cục Điều tra VKSND Tối cao. Lần này chị mới nhận được quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dùng nhục hình. Quyết định này được ông Nguyễn Duy Dũng (Phó Thủ trưởng CQĐT VKSND Tối cao) ký từ ngày 15-9-2014 với lý do đình chỉ là: “Sau khi tiến hành điều tra xác định cần phải đợi kết quả giám định của Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM”.
“CQĐT VKSND Tối cao viện lý do không đúng”
Chiều 11-12, PV Pháp Luật TP.HCM đã làm việc với ThS Trần Anh Tuấn (Trưởng khoa Giám định Viện Pháp y quốc gia - Phân viện tại TP.HCM). Ông Tuấn khẳng định việc CQĐT VKSND Tối cao lấy lý do chờ kết quả giám định nên tạm đình chỉ vụ án là hoàn toàn không đúng.
Ông Tuấn cho biết: “Ngày 15-7-2013 (một tháng rưỡi sau khi anh Đức chết - PV), CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã gửi quyết định trưng cầu giám định pháp y. Do hồ sơ đề nghị giám định chưa đầy đủ nên chúng tôi đã yêu cầu bổ sung. Đến ngày 13-8-2013, CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã bổ sung đầy đủ theo yêu cầu. Chỉ chín ngày sau khi hồ sơ đề nghị giám định đủ điều kiện giám định, chúng tôi đã có kết luận giám định về trường hợp này và thông báo cho CQĐT. Đến ngày 14-10-2013, CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã đến lấy kết luận giám định”.
Nạn nhân Nguyễn Văn Đức (ảnh trái) khi còn sống (Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp). Bản kết luận bổ sung giám định pháp y ngày 2-3-2015 của Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM (hơn hai tháng sau, cán bộ CQĐT VKSND Tối cao mới tới nhận). Ảnh: Đ.TRÍ
Theo ông Tuấn, tiếp đó, ngày 12-1-2015, một cán bộ của CQĐT VKSND Tối cao đã đến cơ quan ông đưa ra quyết định trưng cầu giám định pháp y bổ sung. Điều lạ là quyết định này ghi ngày 15-9-2014 (gần bốn tháng trước) và trong quyết định, CQĐT VKSND Tối cao yêu cầu Viện Pháp y trả lời kết quả... trước ngày 10-10-2014. “Chúng tôi đã yêu cầu cán bộ CQĐT VKSND Tối cao phải bổ sung hoặc sửa lại quyết định trưng cầu vì thời gian ra quyết định và thời hạn để có kết quả giám định đều đã quá lâu. Mặc dù quyết định trưng cầu chưa hợp lệ nhưng vì linh động, chúng tôi vẫn tiến hành ngay các bước giám định theo quy định” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, do hồ sơ giám định tương đối phức tạp nên đến ngày 2-3-2015, cơ quan ông mới có bản kết luận bổ sung giám định pháp y và thông báo qua điện thoại cho cán bộ CQĐT VKSND Tối cao đến nhận. Đồng thời, cơ quan ông cũng yêu cầu cán bộ CQĐT VKSND Tối cao khi đến nhận kết luận giám định phải mang theo quyết định trưng cầu giám định đã bổ sung, sửa lại phần thời gian cho đúng thực tế.
“Tuy nhiên, mãi đến ngày 15-5-2015, một cán bộ của CQĐT VKSND Tối cao tên Nguyễn Văn Sơn mới đến cơ quan chúng tôi nhận kết luận giám định và bổ sung một quyết định trưng cầu giám định thay thế. Trong quyết định trưng cầu sửa đổi, bổ sung này, thời gian ký quyết định là ngày 15-9-2014 vẫn được giữ nguyên, chỉ bỏ đoạn nội dung yêu cầu cơ quan giám định phải trả lời kết quả trước ngày 10-10-2014” - ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn khẳng định quá trình tiếp nhận yêu cầu giám định cũng như trả kết quả giám định đều được cơ quan ông cập nhật đầy đủ. Do đó, việc đến nay CQĐT VKSND Tối cao vẫn thông báo với gia đình anh Đức rằng phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì “cần phải đợi kết quả giám định của Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM” là không đúng. Bởi như ông đã nói, cơ quan ông đã giao kết quả giám định cho CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Long từ tháng 10-2013, mặt khác cơ quan ông cũng đã giao bản kết luận bổ sung giám định pháp y trên hồ sơ cho CQĐT VKSND Tối cao từ tháng 5-2015.
“Do có hoàn cảnh đặc biệt”(?!)
Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã liên hệ và gặp trực tiếp ông Nguyễn Duy Dũng (Phó Thủ trưởng CQĐT VKSND Tối cao, người ký quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dùng nhục hình).
Chúng tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi về các dấu hiệu bất thường trong việc giải quyết án như tại sao quyết định tạm đình chỉ có từ tháng 9-2014 mà đến nay CQĐT VKSND Tối cao mới giao cho gia đình anh Đức dù gia đình khiếu nại, lui tới nhiều lần; tại sao CQĐT VKSND Tối cao đã nhận được kết luận giám định của Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM từ tháng 5-2015 nhưng không phục hồi điều tra mà đến nay vẫn thông báo cho gia đình anh Đức rằng phải đợi kết quả giám định. Đặc biệt, tại sao đã hơn hai năm trôi qua kể từ khi CQĐT VKSND Tối cao khởi tố vụ án dùng nhục hình mà vẫn chưa khởi tố bị can nào dù các kết luận giám định, các đầu mối, địa chỉ chịu trách nhiệm đều đã có...
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết ông không có trách nhiệm trả lời vì “không phải người phát ngôn”, PV “muốn gì thì liên hệ với Cục Điều tra VKSND Tối cao ở Hà Nội, 44 Lý Thường Kiệt để biết thông tin”. Tuy nhiên, sau đó ông cũng cho biết thêm “không phải không muốn làm mà do có hoàn cảnh đặc biệt của nó”. Chúng tôi hỏi “hoàn cảnh đặc biệt” đó là hoàn cảnh gì thì ông Dũng cho biết không được quyền nói, “để báo cáo lãnh đạo đã rồi muốn hỏi gì thì tính sau”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với lãnh đạo VKSND Tối cao để có thông tin tới bạn đọc.
“Thằng Đức nó hiền queo à!” Ở sát bên nhà anh Đức, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy kể khi hay tin anh Đức chết chỉ sau một ngày vào trại tạm giam bà xót xa quá. “Thằng Đức nó hiền queo à! Có lần nó đang giấc trưa, cháu nội tui đến phá cho thức mà nó vẫn vui vẻ cười giỡn chớ không hề nổi quạu. Ngoài lúc sớm tối phụ vợ làm bánh tiêu, nó còn nhận làm hàng cho tiểu thương trong chợ, tiền công chỉ lấy 10.000 đồng, rẻ hơn người khác 5.000 đồng. Nhà nó ngày ba bữa cơm cũng một tay nó lo. Người thiệt thà, chân chất, cần mẫn vậy thì mần sao là cướp được. Nó mất để lại vợ con côi cút, thiệt tình...” - bà Thủy nói. |