Tuy nhiên, vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn nạn bức cung, nhục hình trong điều tra án hình sự - một trong những tiền đề dẫn đến án oan.
Những ai từng theo dõi vụ này ắt hẳn sẽ đặt câu hỏi: Tại sao hai bị cáo - nguyên điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng lại dùng nhục hình, một phương pháp phi tố tụng bị pháp luật cấm đoán?
Ba bị cáo trong phiên tòa xét xử tội dùng nhục hình ở Sóc Trăng, đồng đội của các bị cáo này dù biết rõ hành vi sai trái của họ nhưng vẫn im lặng, không tố cáo.
Xuyên suốt phiên tòa cho thấy hai nhân chứng (là đồng đội của hai bị cáo - điều tra viên Nguyễn Hoàng Quân và Triệu Tuấn Hưng) có chứng kiến, có nghe, có thấy hai bị cáo này dùng nhục hình với các thanh niên huyện Trần Đề. Vậy tại sao lúc này các nhân chứng - đồng đội của hai bị cáo không có bất kỳ phản ứng nào với Quân và Hưng? Tại sao họ không tố cáo, không báo với cấp trên mà phải đợi đến khi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc thì mới khai báo? Phải chăng nếu hai hung thủ thật sự trong vụ sát hại anh xe ôm Lý Văn Dũng không ra đầu thú, tức bảy thanh niên sau đó sẽ bị kết tội thì mãi mãi vụ dùng nhục hình này không ai được biết? Phải chăng họ ngầm coi đây là điều hiển nhiên, là “biện pháp điều tra” hữu hiệu nên mới không lên tiếng?
Không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng cần phải truy cứu các nhân chứng này tội không tố giác tội phạm (tất nhiên, ý kiến này là sai luật, vì dùng nhục hình không phải là tội danh được điều chỉnh trong tội không tố giác tội phạm). Nói như thế để thấy tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng các nhân chứng này không thể nói là vô can trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của họ.
Hy vọng vụ án này sẽ là lời cảnh tỉnh cho những cán bộ tố tụng để sau này không còn xảy ra vụ dùng nhục hình nào nữa.