Rối vì kết quả giám định tâm thần chỏi nhau

TAND thị xã Long Khánh (Đồng Nai) vừa nhận được hồ sơ sơ thẩm lần hai vụ Nguyễn Hùng Chiến (ngụ thị xã Gò Công, Tiền Giang) bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS.

Vụ án này được xử tới lui do bị cáo có nhiều kết luận giám định tình trạng tâm thần mâu thuẫn nhau.

Từng không bị xử lý vì bệnh tâm thần

Vụ án xảy ra vào tối 28-6-2012, Chiến đến chơi tại nhà anh em bạn dì nhậu ở tổ 8, ấp Cây Da, xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh. Tại đây, cả hai cùng nhau uống bia nói chuyện. Trong lúc này có ông Đặng Hiệp Thành nhà gần đó đến chơi và cùng ngồi nhậu. Lời qua tiếng lại trên bàn nhậu, Chiến và ông Thành xảy ra xích mích dẫn đến cự cãi. Sau đó vợ ông Thành kêu chồng về nhà.

Được hơn một tiếng, ông Thành quay lại để mua thuốc hút và có ý định răn đe Chiến không được hỗn láo với mình. Vừa đến nơi ông Thành đã lớn tiếng nên Chiến ở trong nhà nghe và liền chạy vào bếp lấy một con dao rựa bước ra. Ông Thành và Chiến lại tiếp tục cự cãi. Ông Thành xông lên đánh Chiến nhưng không được. Lúc này Chiến cầm sẵn cây dao trên tay chém vào người ông Thành làm đứt lìa bàn tay trái.

 
Chiến cùng hai con khi còn được tại ngoại. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Sau khi gây án, Chiến bỏ dao chạy ra đón xe về nhà ở Gò Công. Sau đó gia đình đưa Chiến quay lại Long Khánh đầu thú. Do Chiến có tiền sử bị bệnh tâm thần nên được công an cho về nhà để tiếp tục xác minh. Nạn nhân Thành sau khi được cấp cứu, giám định thương tật tạm thời là 67%.

Trong quá trình điều tra, xét Chiến có biểu hiện tâm thần, công an trưng cầu giám định tâm thần đối với bị can. Gần một tháng sau ngày xảy ra vụ án, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía Nam kết luận Chiến bị rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn, hiện tại bệnh trong giai đoạn ổn định. Về mặt pháp luật, tại thời điểm gây án và hiện nay Chiến có năng lực hành vi nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh, đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử.

Trước đó, gia đình Chiến từng khởi kiện ra TAND thị xã Gò Công yêu cầu tuyên bố Chiến mất năng lực hành vi dân sự. Tháng 5-2006, TAND thị xã này đã ra quyết định theo yêu cầu của gia đình. Bởi lẽ trước đó, năm 2001, Chiến bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não dẫn đến việc có những đợt rối loạn hành vi, nóng nảy, thiếu kiềm chế. Đỉnh điểm năm 2006, Chiến đã dùng dao chém vợ vì phát hiện vợ có quan hệ với người đàn ông khác. Khi giải quyết vụ án này công an cũng đã trưng cầu giám định tại tổ chức giám định pháp y tỉnh Tiền Giang và có kết quả là Chiến bị “rối loạn tâm thần cấp dạng phân liệt, không đủ năng lực trách nhiệm hành vi”. Từ đó công an không truy cứu trách nhiệm hình sự với Chiến.

gia đình Chiến cho biết năm 2011, Chiến lại bị rối loạn hành vi, gia đình đã đưa đi bệnh viện khám và điều trị ngoại trú. Và hơn một năm sau thì xảy ra vụ án Chiến gây thương tích cho ông Thành.

Rối kết luận giám định

Trở lại vụ án gây thương tích cho ông Thành, sau khi có kết quả giám định tâm thần nêu trên, cơ quan tố tụng hướng dẫn ông Thành đi khởi kiện yêu cầu TAND thị xã Gò Công hủy quyết định mất năng lực hành vi dân sự của Chiến.

Tháng 11-2012, ông Thành làm theo chỉ dẫn thì hai cấp tòa thị xã và tỉnh đều bác bởi có một kết quả giám định tâm thần khác mâu thuẫn với kết quả hiện có của cơ quan tố tụng thị xã Long Khánh. Cụ thể, đầu năm 2013, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang có kết luận Chiến bị “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, đương sự không đủ năng lực hành vi dân sự, có hành vi nguy hiểm cao cho gia đình và xã hội, đề nghị nhập viện điều trị bắt buộc tại bệnh viện”.

Trước sự mâu thuẫn của hai kết quả giám định tâm thần, Công an thị xã Long Khánh tiếp tục ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần lần hai tại Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía Nam. Viện này không làm lại mà có công văn trả lời là kết luận trước đó của mình đủ căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, cũng tại công văn này nêu rằng đó chỉ là ý kiến của phân viện, nếu các cơ quan tố tụng không thống nhất được thì đề nghị giám định lại, phân viện sẽ báo cáo Bộ Y tế để tiến hành thành lập hội đồng giám định lại và sẽ có kết quả cuối cùng.

Mặc dù không đồng ý với ý kiến đã nêu của viện pháp y nhưng các cơ quan tố tụng địa phương vẫn tiến hành điều tra, truy tố và xét xử Chiến. Tháng 12-2014, trên cơ sở nhận định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị hạn chế do bệnh, nạn nhân có phần lỗi, bồi thường một phần..., TAND thị xã Long Khánh phạt Chiến năm năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Đến khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai lại băn khoăn về các kết quả giám định nên hủy án. Cụ thể, tòa này cho rằng quyết định Chiến bị mất năng lực hành vi dân sự của TAND vẫn còn hiệu lực. Hai kết luận tâm thần gần nhất của hai nơi có khác nhau, không thống nhất. HĐXX phúc thẩm nhấn mạnh “dựa vào kết quả của hai nơi chưa rõ ràng thì lấy kết luận nào làm căn cứ để xử lý bị cáo Chiến”. Ngay công văn trả lời của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía Nam cũng có ý kiến nếu các cơ quan tố tụng không thống nhất thì làm văn bản đề nghị giám định lại.

Cũng theo tòa này, cấp sơ thẩm đã xử lý Chiến với kết luận của cơ quan chuyên môn về bệnh tật chưa đầy đủ và rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên hủy án để điều tra, xét xử lại theo luật định. Với các phân tích trên tòa bác cả quan điểm yêu cầu y án của phía công tố lẫn việc xin giảm án của luật sư bị cáo.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ án này.

HĐXX có quyền chọn lựa

Trao đổi về vụ án, nhiều thẩm phán chuyên xử hình sự tại TP.HCM cho rằng đối với giám định pháp y hiện nay rất phức tạp. Không như các giám định về thương tật hay xây dựng..., kết luận của cấp cao hơn cũng không thể phủ nhận của kết quả cấp dưới. Đó là điểm cần lưu ý đối với các giám định pháp y về tâm thần. Bởi việc giám định tâm thần được thực hiện bởi một hội đồng khoa học. Hội đồng khoa học giám định sau của đơn vị cấp trên cũng không thể dùng phủ định kết quả trước đó. Vì thế, đối với các vụ án hình sự, việc giám định tâm thần có nhiều kết quả là bình thường và nó chỉ mang tính chất tham khảo. Còn lại quyết định sử dụng kết luận giám định nào, vì sao là do HĐXX nghiên cứu, làm rõ các mâu thuẫn của kết luận của giám định. Từ đó HĐXX chọn lựa kết luận nào hợp lý có căn cứ để xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm