Trước thông tin dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 ở TP Hà Nội giảm cả 1.000 tỉ đồng/km sau khi rà soát mà chúng tôi đã phản ánh, nhiều chuyên gia giao thông đã có ý kiến góp ý. Chúng tôi xin nêu các ý kiến để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề.
“Chắc chắn số vốn này còn giảm mạnh”
“Sau khi rà soát, tổng mức đầu tư dự án metro Hà Nội giảm từ 34.743 tỉ đồng xuống còn 28.918 tỉ đồng, tức giảm 5.825 tỉ đồng. Điều này chứng tỏ việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi ban đầu cẩu thả. Nói đúng hơn là cẩu thả với đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân”.
Ngày 22-11, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, đánh giá như trên với Pháp Luật TP.HCMvề tuyến metro số 2 ở Hà Nội.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi ban đầu rất quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận đầu tư dự án. Tuy nhiên, sau khi văn bản được gửi đi, chắc chắn có nhiều ý kiến của bộ, ngành tác động nên Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã rà soát, tính toán lại và giảm gần 6.000 tỉ đồng (tương đương 1.000 tỉ đồng/km).
“Trong vụ việc này có lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng hay không chúng ta không có chứng cứ để khẳng định nhưng chắc chắn người dân sẽ đặt nhiều nghi vấn và họ có quyền nghi vấn… Đặc biệt, chúng ta có thể nhận định còn nhiều sơ hở trong dự án này cần được kiểm tra…” - ông Thủy nói.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một trong hai dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại Hà Nội. Ảnh: VIẾT LONG
Đồng tình, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cũng cho rằng việc rà soát lại dự án tuyến metro số 2, giảm hàng ngàn tỉ đồng chỉ là bề nổi. “Cơ quan chức năng chỉ mới xem xét chi phí đơn giá, định mức, vốn dự phòng… chứ chưa đi sâu. Nếu đi sâu chắc chắn số vốn này còn giảm mạnh nữa vì chúng ta thiếu hiểu biết về metro…” - ông Sanh nhận định.
Với quan điểm trên, TS Xuân Thủy cũng cho rằng sau khi rà soát, tuyến metro số 2 có tổng đầu tư 29.000 tỉ đồng nhưng mức này vẫn còn quá cao. Trong khi đó, giá metro trên thế giới chỉ dao động ở mức 120-150 triệu USD/km. Cụ thể, một số tuyến metro của Singapore có giá 90 triệu USD/km. Tất nhiên, thời điểm xây dựng nếu tính giá bây giờ thì có sự biến động về tỉ giá, giá vật liệu… nhưng giá không lớn như các dự án metro Việt Nam đang xây dựng. Vì vậy, 5 km tuyến metro số 2 Hà Nội khoảng 800 triệu USD là hợp lý.
Phải mạnh dạn dừng xây metro
Từ những lỗ hổng trên, theo TS Phạm Sanh, Việt Nam không nên đầu tư rầm rộ các tuyến metro. Nguyên nhân, vốn đầu tư metro rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nợ công gần chạm trần. Đặc biệt, Việt Nam thiếu hiểu biết nhiều về metro, không làm chủ được công nghệ, thiếu kinh nghiệm, các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ. Vì vậy dễ tạo cơ hội cho cán bộ tham nhũng.
“Các hợp đồng đều có khe hở” “Hiện nay các hợp đồng của chúng ta đều có khe hở nên tổng mức đầu tư cứ tăng, giảm một cách tùy tiện. Tôi thấy đã đến lúc Chính phủ phải vào cuộc chứ không thể để cấp dưới làm như vậy được. Ngoài ra, chúng ta phải xem ở đây có tiêu cực không, bên nào tiêu cực hay cùng nhau tiêu cực…” - TS Phạm Xuân Thủy nhấn mạnh. Theo vị chuyên gia này, nếu muốn biết được giá xây dựng metro bao nhiêu, cơ quan chức năng cần phải yêu cầu các chủ đầu tư cung cấp đơn giá metro của các nước. Cần thiết thì cho các đơn vị đi hết các nước Mỹ, Đức, Pháp… xem giá như thế nào. Từ đó mới xác định được mức giá metro sát với thực tế. “Nhưng tôi tin chắc rằng giá metro Việt Nam sẽ thấp vì lương trả cho công nhân thấp...” - ông Thủy nói. |
“Trên thế giới, một số nước được gọi là “con nhà giàu” mới đầu tư nhiều tuyến metro, vì ngoài các điều kiện khác thì luật pháp họ rất nghiêm nên cán bộ ít tham nhũng. Nhưng họ không làm ồ ạt, mấy chục năm mới làm một hoặc hai tuyến, bởi khó kiểm soát. Hiện nay chỉ có Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều tuyến metro nhưng Việt Nam không thể so sánh với họ được. Vì Trung Quốc tự chủ được công nghệ, vốn… Trong khi Việt Nam đi vay tiền để làm…” - TS Phạm Sanh cho hay.
Vì vậy, theo ông Sanh, đến lúc cần báo động về việc xây dựng metro, Bộ GTVT, đặc biệt là Chính phủ phải vào cuộc thanh tra lại các dự án metro. Đồng thời mạnh dạn kiến nghị ngừng xây mới các dự án metro như đã làm với một số công trình khác. “Để phát triển hệ thống giao thông trong điều kiện hiện nay của Việt Nam thì cần mở đường, đầu tư xe buýt, đặc biệt các tuyến BRT để hạn chế ùn tắc giao thông… Khi nào chúng ta có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm, công nghệ và cán bộ có trách nhiệm hơn mới làm metro. Nếu giờ làm ồ ạt rất nguy hiểm, bởi nợ công tăng. Đặc biệt, khi đã đầu tư metro thì khó có cơ hội sửa sai… Không nên xem metro là bài thuốc tiên” - ông Sanh nhấn mạnh.
Từ hơn 34.000 tỉ giảm xuống còn 28.000 tỉ đồng Theo báo cáo mới đây của TP Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình dự kiến sử dụng vốn ODA Nhật Bản có tổng mức đầu tư ban đầu 34.743 tỉ đồng (căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án lập năm 2012). Tổng chiều dài tuyến là 5,9 km đi ngầm, ước tính chi phí đầu tư trung bình là 5.888 tỉ đồng/km (tương đương khoảng 259 triệu USD/km theo tỉ giá hiện nay). Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại tổng mức đầu tư. Sau khi rà soát, tổng mức đầu tư dự án còn 28.918 tỉ đồng (tương đương 144,31 tỉ yen Nhật). Như vậy, sau khi rà soát, tính trung bình mỗi km dự án đường sắt đô thị Trần Hưng Đạo - Thượng Đình giảm khoảng 1.000 tỉ đồng. Các mức được Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội rà soát gồm chi phí xây dựng; chi phí mua sắm, xây dựng và lắp đặt hệ thống đường sắt; chi phí quản lý dự án của chủ đầu tư; chi phí tư vấn đầu tư và xây dựng… Về cơ chế tài chính cho dự án, TP Hà Nội tính toán, với quy định TP trực thuộc trung ương được vay lại nguồn vay ODA từ Chính phủ lên tới 80% tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, tương đương được vay khoảng 18.650 tỉ đồng từ nguồn ODA. Vốn đối ứng của TP cho dự án khoảng 5.606 tỉ đồng tập trung cho chi quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác, các loại thuế và công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng đô thị. Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội, cho biết dự án đang ở giai đoạn đề xuất, tất cả đang ở mức khái toán ban đầu, đến khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi mới có tổng mức đầu tư chính thức. Tổng mức đầu tư vẫn có thể điều chỉnh nếu có những biến động về tỉ giá, giá vật liệu… |