Tăng tốc thực hiện hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM- Bài 1

Metro số 1 sắp vận hành, khởi động metro số 2

(PLO)- Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có khoảng 220 km đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỉ USD.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Mới đây, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) TP.HCM đã trình Dự thảo xây dựng đề cương đề án phát triển hệ thống metro để thực hiện kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Kết luận số 49, từ nay tới 2035, TP.HCM sẽ phải hoàn thành khoảng 220 km ĐSĐT với tám tuyến ĐSĐT (MRT) và ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (LRT).

Theo Quyết định 568/2013 của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, TP.HCM sẽ có tám tuyến ĐSĐT xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP và ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống ĐSĐT TP khoảng 220 km. Đến nay, TP.HCM đã và đang triển khai hai tuyến ĐSĐT.

Metro số 1 vận hành thương mại vào năm 2024

Dự án ĐSĐT số 1 Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) có chiều dài 19,7 km đi qua quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TP.HCM) và TP Dĩ An (Bình Dương). Tuyến có 11 ga trên cao, ba ga ngầm và một depot Long Bình. Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2007, dự kiến sẽ vận hành vào năm 2024.

Ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM trên công trường tuyến metro số 1 những ngày này rất nhộn nhịp. Các công nhân đều thi công dàn trải ở nhiều hạng mục, bao gồm hoàn thiện và kết nối. Tại các gói thầu chính, các đơn vị cũng đang thi công hoàn thiện kiến trúc cơ điện. Những điểm nhấn riêng của từng nhà ga như hệ thống chiếu sáng, hình đóa sen khổng lồ của ga trung tâm Bến Thành cũng đã dần lộ diện. Ở hạng mục kết nối với tuyến metro số 1 như cầu bộ hành cũng được gấp rút khởi công xây dựng.

Công ty TNHH MTV ĐSĐT số 1, đơn vị vận hành tuyến metro số 1, cho biết đơn vị đang triển khai nhiều nhiệm vụ song song để đảm bảo nhân lực vận hành. Theo đó, điều độ viên, kỹ thuật viên, lái tàu đã hoàn thiện đào tạo trong nước. Trong tháng 9 này công ty đưa một số lái tàu qua Nhật Bản để đào tạo, phục vụ công tác vận hành.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban quản lý ĐSĐT (MAUR), cho biết tuyến metro số 1 có vai trò rất quan trọng, đây là tuyến bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn từ trung tâm TP đến cửa ngõ đông bắc TP. Đến nay tuyến metro số 1 đã đạt 95% tổng khối lượng dự án. Mới đây, tuyến metro số 1 đã chạy thử nghiệm toàn tuyến từ ga trung tâm Bến Thành đến ga Suối Tiên với chiều dài khoảng 20 km. Đây là một bước tiến mới để vận hành thử nghiệm toàn tuyến vào cuối năm 2023 và vận hành thương mại vào năm 2024.

“Metro số 1 là tuyến tàu địa ngầm đầu tiên của TP.HCM sắp được đưa vào khai thác, dự án này ngoài phục vụ cho sự phát triển chung của TP về phía đông thì còn kết nối với Khu công nghệ cao, khu dân cư, đô thị mới và ĐH Quốc gia TP. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thực hiện các tuyến metro khác của TP như tuyến metro số 2, số 5…” - ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, bên cạnh việc đầu tư xây dựng thì hiện dự án cũng đang thực hiện nhiều nhóm công việc quan trọng khác. Đơn cử, MAUR vừa triển khai đánh giá an toàn hệ thống, hiện đang làm việc với các nhà thầu chính; hoàn thiện kế hoạch đào tạo, nội dung đào tạo và cử nhân sự tiếp cận cho công tác tiếp nhận vận hành, bảo dưỡng trong tương lai.

Cùng đó là xây dựng quy trình định mức sau khi nhận được góp ý, kinh nghiệm học tập tại Hà Nội và đơn vị có thẩm quyền… “Cả tập thể đang quyết tâm đưa dự án tuyến metro số 1 sẵn sàng vận hành vào năm 2024” - ông Hiển nói.

p2+3+-anh-bai-chinh-chuyen-de.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường trải nghiệm chạy thử nghiệm toàn tuyến từ ga trung tâm Bến Thành đến ga Suối Tiên. Ảnh: ĐÀO TRANG

Khởi động tuyến metro số 2, số 5…

Sau quá trình chuẩn bị, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã khởi công di dời gói hạ tầng kỹ thuật. Đây là bước quan trọng để dự án chính thức khởi công vào năm 2025, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Ngoài ra, tới trước năm 2030, TP cũng chuẩn bị đầu tư các tuyến metro khác như tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn). Tương tự, tuyến metro số 3a - giai đoạn 1 (Bến Thành - khu y tế kỹ thuật) và tuyến metro số 2 - giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm) cũng sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án đầu tư, ký thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời, TP sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư 1-2 tuyến còn lại.

Ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết quy hoạch TP cần có 11 tuyến, với khoảng 220 km ĐSĐT, với vốn khoảng 25 tỉ USD. Như vậy, trước năm 2030, TP mới có hai tuyến metro, khởi công và chuẩn bị khởi công bốn tuyến ĐSĐT khác.

“Để làm được điều này là một áp lực rất lớn với TP.HCM. TP có mật độ dân số cao, 10-13 triệu dân, chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân, vì vậy việc sớm hình thành các tuyến ĐSĐT là vô cùng cấp thiết” - phó trưởng ban phụ trách MAUR nói và cho biết TP.HCM luôn tranh thủ nguồn lực từ nguồn vốn ODA truyền thống. Các nhà tài trợ như JICA, ADB, MAUR cũng đã và đang chủ động nghiên cứu về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Đặc biệt hơn, Nghị quyết 98 được thông qua là cơ hội để TP làm metro và đây cũng là lúc hàng loạt tuyến metro được thành hình, tạo bứt phá trong thời gian tới.

Thời gian tới, MAUR sẽ phối hợp cùng các sở, Viện Nghiên cứu phát triển TP tham mưu UBND TP về đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp để quy hoạch TOD cho diện tích đất xung quanh các nhà ga. Phối hợp với các sở, ngành rà soát quy hoạch mạng lưới giao thông nói chung và mạng lưới ĐSĐT nói riêng để kịp cập nhật vào trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.•

Đang xây dựng phương án giá vé

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM, cho biết sau khi Trung tâm Vận tải hành khách công cộng trình phương án giá vé tuyến metro số 1, các đơn vị liên quan sẽ họp bàn. Sở GTVT TP đã gửi UBND TP, các sở, ngành để đóng góp ý kiến, sau đó sẽ trình chính thức UBND TP. Tuy nhiên, phương án vé phải hài hòa, đảm bảo các yếu tố thu hút người dân và đúng với thời điểm tuyến vận hành.

Còn ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT TP, cho hay trung tâm đang đề xuất mở mới 22 tuyến xe buýt để gom khách cho tuyến metro số 1. Tất cả sẽ được vận hành đồng bộ với tuyến metro số 1 vào năm 2024. Trung tâm cũng đang lập phương án vận hành, kêu gọi đầu tư thêm hàng loạt tuyến xe buýt kết nối với tuyến metro số 1. Các tuyến xe buýt hiện hữu và mở mới vừa tăng cường kết nối với tuyến metro số 1, vừa là tuyến giao thông gom khách cho tuyến metro số 1, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

PGS-TS VŨ ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức:

p2+3-Vu-Anh_Tuan.jpg

Tận dụng cơ chế đặc thù mới

Để ĐSĐT phát huy hiệu quả, TP.HCM cần một mạng lưới giao thông kết nối dày đặc, tuy nhiên để làm được điều này cần có một nguồn vốn khổng lồ. Hiện TP cũng đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng, phát triển đô thị dọc theo hành lang các tuyến metro ở TP.HCM (theo hình thức TOD), đây là điều rất cần thiết.

TOD sẽ giúp khai thác tối ưu hóa giá trị đất từ hệ thống metro, đồng thời giải quyết các vấn đề về hạ tầng, giao thông dọc tuyến metro. Khi đó, người dân sẽ sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, giảm xe cá nhân, kéo giảm ùn tắc giao thông hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng đô thị một cách bền vững.

Cũng từ mô hình này, Nhà nước có thể tính toán hình thức đầu tư từ nguồn vốn nhà nước hoặc hợp tác công tư, lợi nhuận quy về Nhà nước sau đó tái phân bổ cho các dự án khác. Đơn cử như một tuyến metro dài 15-20 km thì chi phí đầu tư hạ tầng khoảng 2-3 tỉ USD, song nguồn lợi nhuận đem về từ tuyến này sẽ lên đến vài chục tỉ USD. Chi phí này đủ để trả phí ban đầu và tiếp tục tái đầu tư cho những dự án khác.

Tuy nhiên, TOD ở Việt Nam còn nhiều thách thức, bị vướng quy hoạch, mật độ xây dựng, quy mô tầng… vì vậy để áp dụng mô hình này, khơi thông nguồn vốn thì cần điều chỉnh quy hoạch. Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù mới, thời gian tới TP sẽ có nhiều bứt phá về cơ chế, nguồn vốn và mạng lưới ĐSĐT sẽ nhanh chóng được thành hình.

TS NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:

N SON.jpg

Không thể chậm trễ hơn

Tuyến metro số 1 đã bị bỏ lỡ nhiều năm song không vì thế mà chậm hơn nữa. Vì vậy, trong thời điểm này cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, gỡ vướng ngay những khó khăn để tuyến metro số 1 về đích đúng hẹn.

Công tác vận hành, chạy thử nghiệm, giá vé tàu, kết nối xe buýt để gom khách cho tuyến metro số 1 cần được triển khai đồng bộ, đây là yếu tố để đưa tuyến metro số 1 khai thác hiệu quả, trở thành tuyến giao thông biểu tượng của TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm