Ngày 20-2, ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết trước tình hình mía cháy khá phổ biến trong mùa khô, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo gửi các ngành, địa phương và đơn vị liên quan có biện pháp ngăn chặn, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch giúp người dân.
Đồng thời, tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan công an tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân mía cháy; xử lý nghiêm các đối tượng đốt mía theo quy định pháp luật.
Mía cháy hàng loạt nhưng chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Ảnh: LK |
Theo ông Tiệp, bước đầu các địa phương xác định, nguyên nhân mía cháy là do tập quán sản xuất của người dân chưa được đảm bảo “nhà nào xong trước thì dọn rẫy, đốt trước gây cháy lây lan”. Trong khi khâu phòng cháy chưa được quan tâm đúng mức.
“Có ý kiến cho rằng, người dân tự đốt mía của chính mình để nhà máy tiến hành thu mua trước. Vấn đề này vẫn chưa được làm rõ. Tỉnh đã chỉ đạo, giao cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân mía cháy có phải là hành vi phá hoại hay tự đốt mía để được thu mua sớm và có hướng xử lý theo quy định pháp luật” - ông Tiệp nói.
Theo báo cáo mới nhất từ Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, niên vụ 2022-2023, toàn tỉnh có 36.900 ha mía, năng suất bình quân đạt 670 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 2,4 triệu tấn. Đến nay, trên địa bàn xảy ra 99 vụ cháy mía với diện tích hơn 315 ha, số hộ bị thiệt hại là 205 hộ. Đây là sự việc có dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, địa phương bị cháy nhiều nhất là huyện Phú Thiện với 180 ha; Kông Chro 51,3 ha; Chư Sê 27 ha; Ia Pa 24,4 ha… Tình hình mía cháy quy mô lớn chủ yếu diễn ra tại 9 huyện ở phía Đông Gia Lai.
Mía cháy khiến nhiều hộ nông dân lo lắng. |
Về nguyên nhân cháy mía, Sở NN&PTNT, cho rằng do một số người dân chưa cẩn thận trong việc đốt vệ sinh ruộng mía sau thu hoạch dẫn đến cháy lan sang các ruộng khác. Còn một số vụ cháy mía khác, các địa phương chưa nắm rõ nguyên nhân.
Mỗi khi có cháy mía xảy ra, các địa phương đều đã huy động lực lượng tham gia cứu chữa, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân. Đồng thời, chủ động liên hệ với các công ty, nhà máy đường để ưu tiên thu mua kịp thời các diện tích mía bị cháy.
Ông Lê Đình Chơn, huyện Đắk Pơ thất thần do 4 ha mía bị cháy. |
Theo các nhà máy mía đường trên địa bàn, đến nay các địa phương đã thu hoạch khoảng 50% diện tích mía. Đối với diện tích mía cháy sẽ được các đơn vị ưu tiên đẩy nhanh thu hoạch và mua cho người dân, trừ 5% tạp chất. Hiện mỗi tấn mía được mua hơn một triệu đồng/tấn.
Không nghĩ người dân tự đốt mía
Nguyên nhân mía cháy đến nay vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhiều khả năng do dân bất cẩn trong vệ sinh ruộng mía. Đối với ý kiến cho rằng người dân tự đốt mía của mình để được mua sớm, tôi cho rằng không có khả năng. Hiện tại, vụ mía bước vào thu hoạch chính vụ chưa lâu, thời gian thu hoạch còn kéo dài đến tháng 3 và đầu tháng 4 nên người dân chưa vội đến mức đốt mía của mình. Bởi, mía bị cháy sẽ giảm năng suất, sản lượng nên người dân sẽ là người thiệt đầu tiên.
Ông BÙI TRỌNG THÀNH, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện (địa phương có hơn 180 ha mía cháy)