Miền Tây vào mùa sạt lở, đã có người chết

Khoảng 5 giờ sáng 9-5, khu vực bán hàng ăn uống, rau củ quả thuộc chợ Long Hòa (vàm Rạch Cam lớn, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đột ngột bị sạt xuống sông. Trong 15 phút sau đó, khu vực này tiếp tục xảy ra 3-4 lần sạt lở ăn sâu vào phía trong hơn 10 m, chạy dài 50 m. Tiểu thương và khách vãng lai ùn ùn tháo chạy. Nhiều người không kịp chạy đã bị rớt xuống sông. Toàn bộ hàng quán, vật dụng của tiểu thương và một số xe máy bị chìm dưới dòng nước.

Sẽ di dời chợ Long Hòa

Đến cuối giờ chiều, chính quyền phường Long Hòa xác định có hai tiểu thương bị chết đã vớt được xác là chị Dương Thị Hoàng Loan và bà Võ Thị Tuyết (80 tuổi). Ngoài ra còn có năm người bị thương đang được cấp cứu tại các bệnh viện. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính 300 triệu đồng. Một số nhân chứng cho biết thêm, trước lúc xảy ra sự cố có bốn khách vãng lai đang ăn uống tại hàng bún chay của chị Loan và lô sạp gần kề, chưa rõ họ có kịp thoát thân hay không.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ và quận Bình Thủy huy động khoảng 250 người tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn. Các loại xe bị cấm qua cầu Rạch Cam để đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng cũng tháo dỡ các lô sạp nằm sát khu vực sạt lở, cắm các trụ báo hiệu ở đầu vàm Rạch Cam để đảm bảo an toàn cho giao thông thủy… TP và quận đã hỗ trợ các gia đình có người chết 10 triệu đồng/người, người bị thương 1,5 triệu đồng.

Do tình hình sạt lở còn diễn biến khó lường, TP Cần Thơ đã tạm ngưng hoạt động chợ Long Hòa, đồng thời từng bước di dời các hộ kinh doanh ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ cho biết đã chỉ đạo UBND TP và các ngành chức năng khẩn trương di dời chợ Long Hòa đến nơi mới để đảm bảo an toàn cho người dân. Các địa phương phải rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Miền Tây vào mùa sạt lở, đã có người chết ảnh 1

Phía dưới khu vực sạt lở đang có một hàm ếch khá rộng, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở tại chợ Long Hòa còn rất cao. Ảnh: GIA TUỆ

Miền Tây vào mùa sạt lở, đã có người chết ảnh 2

Đưa thi thể nạn nhân lên bờ. Ảnh: GIA TUỆ

ĐBSCL khẩn trương đối phó sạt lở

Thời gian qua, tuy chưa vào mùa mưa lũ nhưng tại TP Cần Thơ đã xảy ra hai vụ sạt lở khiến một số căn nhà bị chìm xuống sông. Sự cố tại chợ Long Hòa tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về tình hình sạt lở tại TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Theo khảo sát của Tổng cục Môi trường, tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 100 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Còn theo Sở TN&MT tỉnh An Giang, tỉnh hiện có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó tám đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm. Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng cho biết hiện trên địa bàn có 55 điểm sạt lở, trong đó có 15 điểm đặc biệt nguy hiểm.

Để đối phó, các địa phương đang chủ yếu thực hiện những giải pháp như di dời dân, cắm biển cảnh báo sạt lở, gia cố và xây kè tại những đoạn sạt lở… Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết TP đang triển khai đề án Quy hoạch phòng, chống sạt lở các sông rạch. Theo đó, các địa phương đã cắm mốc những vị trí, địa điểm có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo cho người dân; lên phương án di dời các hộ dân đang sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở… Dự kiến đến năm 2015, khoảng 40% hộ dân ven sông sẽ có chỗ ở ổn định ở những khu đô thị mới.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Tiền Giang, cho biết: “Huyện đã thông báo cho nhân dân những vùng sạt lở cần cẩn thận đề phòng, đồng thời tiến hành gia cố đê bao, cống đập. Huyện đang xây dựng ba cụm dân cư tập trung để di dời những hộ dân nằm trong khu vực sạt lở”. Cũng theo ông Thắng, do kinh phí của địa phương còn hạn chế nên trước mắt chỉ mới giải quyết di dời dân, còn các giải pháp lâu dài như xây kè chống sạt lở chưa được thực hiện.

Theo ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang), hiện ngành nông nghiệp đang khẩn trương hoàn chỉnh các danh mục đầu tư cho các dự án phòng, chống sạt lở trên địa bàn. Tỉnh đang di dời khoảng 80 hộ dân với trên 400 nhân khẩu ở khu vực đường Trần Hưng Đạo - Lê Lợi (thị xã Ngã Bảy) - đường nằm dọc sông Cái Côn, vốn có nguy cơ sạt lở cao. Sau khi di dời dân xong sẽ bắt đầu thi công kè chống sạt lở.

Một số vụ sạt lở xảy ra ở ĐBSCL

- Rạng sáng 2-5, căn nhà cất cặp sông Cái Răng của bà Thái Thị Hiền (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) từ từ sụt xuống sông. Rất may không có thiệt hại về người. Khu vực sạt lở dài khoảng 20 m, ăn sâu vào đất liền 10 m. Hai căn nhà cạnh nhà bà Hiếu cũng bị hư hỏng và có nguy cơ bị “thủy thần” nuốt trôi.

- Ngày 24-4, hai căn nhà và một dải đất nằm ven Rạch Ngỗng tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) bất ngờ đổ sụp xuống sông. Khu vực này có trên 50 hộ dân sinh sống và đang có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

-  Trước đó, trong năm 2010, hơn 70 m quốc lộ 91 tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, Châu Phú (An Giang) bất ngờ bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu. Giao thông giữa các tỉnh trong vùng bị ách tắc cục bộ, hàng chục ngôi nhà phải di dời khẩn cấp.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm