Miễn thi ngoại ngữ: Thêm nhiều rắc rối

LTS: Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 27-10 đăng bài “Miễn thi ngoại ngữ cũng như không” đặt vấn đề các trường ĐH gặp rắc rối trong xét tuyển thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ tại kỳ thi THPT quốc gia. Cụ thể, các trường lúng túng không biết quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ ra điểm số như thế nào để xét tuyển ĐH. Nhiều trường ĐH yêu cầu thí sinh phải thi ngoại ngữ để trường có cơ sở xét tuyển. Thực tế, việc thực hiện việc miễn thi môn ngoại ngữ còn gặp một số rắc rối khác.

Theo ThS Đào Đức Tuyên (Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ-Sư phạm ĐH Nông Lâm TP.HCM), các trường còn mất nhiều công sức để đối phó với phiếu điểm và chứng chỉ ngoại ngữ giả hoặc phải tổ chức thêm một kỳ thi cho các thí sinh miễn thi này để lấy điểm xét tuyển ĐH…

Miễn thi ngoại ngữ: Thêm nhiều rắc rối ảnh 1
 
ThS Đào Đức Tuyên nói: Nếu các trường ĐH và CĐ sử dụng các chứng chỉ TOEFL ITP, TOEFL iBT và IELTS để xét tuyển, khó khăn đầu tiên có thể thấy trước là xác minh phiếu điểm. Hiện nay các phiếu điểm và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giả hoặc mạo danh xuất hiện rất nhiều. Các trường ĐH chắc chắn sẽ gặp lúng túng, vì vậy cần phải được hướng dẫn và tập huấn công tác xác minh tính hợp lệ của phiếu điểm hoặc chứng chỉ quốc tế này.

. Ông có thể nói rõ hơn về tình hình sử dụng phiếu điểm và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giả hiện nay?

+ Hiện tại phiếu điểm và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không hợp lệ đang tồn tại dưới hai dạng: phiếu điểm giả mạo (công chứng trên các bản sao của phiếu điểm đa phần cũng là giả mạo); chứng chỉ do các cơ sở giáo dục không có thẩm quyền tổ chức các bài thi này cấp. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã phát hiện một số trường hợp sinh viên năm cuối nộp phiếu điểm TOEFL giả mạo để xét đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh. Mỗi loại phiếu điểm có những đặc điểm nhận dạng đặc trưng và được in trên giấy đặc trưng, tuy nhiên trình độ làm giả của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp nên rất khó phân biệt bằng mắt thường. Để phòng chống phiếu điểm giả, cách tốt nhất là gửi phiếu điểm (bản sao) đến tổ chức cấp phiếu điểm để yêu cầu xác minh. Thời gian để gửi công văn đi và nhận lại công văn xác minh thường mất 5-10 ngày làm việc. Rõ ràng đây là một công việc gây phiền phức không ít cho nhà trường.

Quy định miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 gây khó cho các trường ĐH, CĐ trong xét tuyển. Ảnh: P.ĐIỀN

. Vậy việc xét tuyển vào ĐH đối với thí sinh miễn thi ngoại ngữ như thế nào?

+ Chắc chắn các trường ĐH, CĐ cần phải xác minh các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Ngoài ra trong khâu xét tuyển, các trường được quyền đề xuất phương án tuyển sinh riêng, phù hợp với điều kiện riêng từng trường, trong đó không loại trừ tổ chức một kỳ thi riêng cho các thí sinh này.

. Có ý kiến còn cho rằng chuẩn các chứng chỉ ngoại ngữ miễn thi do Bộ quy định quá thấp so với yêu cầu của các trường ĐH, ý kiến của ông?

+ Năng lực tiếng Anh được xét miễn thi đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh tương đương (hoặc ít nhất là sát gần) bậc B1 (có các khả năng hiểu những ý chính trong ngôn ngữ thông qua các chủ đề quen thuộc) theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR). Vậy đề thi THPT quốc gia sẽ phải được thiết kế tương đương mức này. Nhưng thực tế cho thấy nếu đề thi tương đương mức B1 thì chắc chắn rất nhiều thí sinh, nhất là thí sinh ở các tỉnh sẽ không đạt được. Kết quả kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào 4.056 tân sinh viên khóa 2014 của ĐH Nông Lâm TP.HCM cho thấy chỉ có khoảng 6% tân sinh viên đạt trình độ B1 trở lên. Còn nếu đề thi được thiết kế ở mức thấp hơn B1 thì kết quả thi sẽ không phù hợp để xét tuyển vào các ngành chuyên Anh của các trường ĐH, CĐ. Khi đó các trường ĐH, CĐ vẫn cần phải có phương án tuyển sinh riêng cho ngành tiếng Anh.

. Xin cám ơn ông.

Các thí sinh phải thi môn ngoại ngữ

Về quy định miễn thi ngoại ngữ đối với thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT, tôi thấy trước hết tiêu chuẩn Bộ đưa ra quá thấp. Tôi có khảo sát một lớp chuyên lý (không phải chuyên ngoại ngữ) có 28 học sinh mà đã có đến 27 em đủ tiêu chuẩn miễn thi. Việc đưa ra tiêu chuẩn thấp như vậy chắc chắn nhiều trường ĐH không chấp nhận cho miễn thi.

Một vấn đề khác mà theo tôi rất rối là việc chuyển đổi  các chứng chỉ này ra điểm số để xét tuyển vào ĐH. Đây là việc rất khó nếu không muốn nói là không thể chuyển đổi được vì có nhiều loại chứng chỉ, mỗi loại có điểm khác nhau. Còn bỏ điểm môn ngoại ngữ cũng không ổn vì các môn còn lại trong khối thi không đại diện được yêu cầu đặc thù của ngành học. Nhiều người đã thấy trước tình hình này nhưng không hiểu sao Bộ vẫn triển khai thực hiện quy định này. Bây giờ nếu bỏ quy định đã công bố lại càng rối hơn. Riêng ĐH Quốc gia, chúng tôi xác định là các em phải thi môn ngoại ngữ, không có cách nào khác.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc ĐH ĐHQG TP.HCM

TNT ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm