Miền Trung đang chờ đón làn sóng đầu tư từ Nhật Bản

Ngày 13-1, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, trong khuôn khổ sự kiện Đoàn Tổng thư ký đảng Dân chủ tự do Nhật Bản thăm Việt Nam.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội. Ảnh: TẤN VIỆT

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho hay số dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép tại Việt Nam năm 2019 là 5.264 dự án (tăng 21,2% so với năm 2018), tổng số vốn là 22,5 tỉ USD (giảm 14,1% so với năm 2018).

Cho đến nay, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chiếm vị trí quan trọng cả về số dự án và số vốn đầu tư vào Việt Nam. Riêng năm 2019, đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông cũng có bước tăng trưởng mạnh.

Theo ông Nakajima Takeo, năm 2019, tổng số dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là 655 dự án (tăng 1,9% so với năm 2018). Nhưng tổng số vốn đầu tư là 2,89 tỉ USD (giảm 65,3%) do năm 2019 Nhật Bản không có dự án nào trên 1 tỉ USD tại Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nhận định tình hình thế giới đang có nhiều biến động. Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang đem lại những cơ hội, thách thức đan xen. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

“Việt Nam vẫn luôn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, cũng là nước nằm trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP duy trì cao từ 6%-7% trong hai thập niên qua. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, quy mô thương mại quốc tế lần đầu tiên vượt mốc 500 tỉ USD” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Ảnh: TẤN VIỆT

Đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy Việt Nam là nền kinh tế có mức độ cải thiện năng lực cạnh tranh tốp đầu, đã tăng 10 bậc so với năm 2019, hiện đang xếp thứ 67 trong số 141 nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với số vốn đăng ký là 38 tỉ USD, lần đầu tiên đạt mức giải ngân thực tế là 20,4 tỉ USD.

“Việt Nam hiện đang là điểm đến đầu tư chiến lược của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia và của các nước, đang dần vươn lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn hai nước quan tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, văn hóa, thương mại. Đặc biệt là thúc đẩy làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc lại lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, yêu cầu các nhà đầu tư Nhật Bản trong thời gian tới không những là đối tác hàng đầu mà còn phải là đối tác tốt nhất, nhà đầu tư tốt nhất tại Việt Nam.

“Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm hơn nữa đến khu vực miền Trung của Việt Nam. Đây đang là một nơi còn rất nhiều tiềm năng lợi thế mà chưa có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản như ở phía bắc hay phía nam Việt Nam. Miền Trung có hạ tầng và nguồn nhân lực rất tốt, là nơi có đất đai rộng lớn và đã được quy hoạch bài bản, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để tìm kiếm lợi ích của mình tại khu vực miền Trung” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo khảo sát của JETRO năm 2018, có 65% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh có lãi. 70% số doanh nghiệp Nhật Bản có mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. “Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những diễn biến hết sức phức tạp, do đó vốn FDI đang có xu hướng giảm dần. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư Nhật Bản tại thị trường Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm