“Qua kết quả điều tra 7.300 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.155 doanh nghiệp FDI, cảm nhận của doanh nghiệp cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh dường như dậm chân tại chỗ, chưa có sự cải thiện nào đáng kể”. Đó là nhận xét của ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại buổi công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 diễn ra vào sáng 16-3.
Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu
Theo kết quả xếp hạng chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2010, Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Đà Nẵng giữ được ngôi vị đứng đầu trong bảng xếp hạng. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng là tỉnh Lào Cao, kế đó Đồng Tháp đứng thứ ba.
“Tuy Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu nhưng số điểm doanh nghiệp hài lòng năm nay lại giảm so với năm 2009. Điều đáng buồn hơn nữa là số tỉnh thuộc nhóm có chất lượng điều hành rất tốt giảm từ sáu xuống còn ba so với năm ngoái. Nhóm tốt cũng bị rớt một địa phương, chỉ còn lại 19” - ông Huỳnh bình luận.
Tỉnh Bình Dương từ vị trí thứ hai năm 2009 đã tuột hạng đứng thứ năm và ra khỏi nhóm rất tốt. Đây là năm thứ ba Bình Dương liên tục rớt vị trí dẫn đầu sau ba năm liền nắm giữ (2005-2007). Hai đầu tàu kinh tế, TP.HCM và Hà Nội cũng bị tuột hạng. Từ vị trí 16 xuống vị trí 23, TP.HCM ra khỏi nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt thành nhóm khá. Hà Nội cũng tuột 10 hạng từ vị trí 33 xuống vị trí 43 trong nhóm có năng lực cạnh tranh khá. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp FDI lại có đánh giá môi trường kinh doanh tương đối tốt đối với hai thành phố này.
Mặc dầu Hà Nội và TP.HCM bị tuột hạng nhưng nhóm doanh nghiệp FDI lại có đánh giá môi trường kinh doanh tương đối tốt đối với hai thành phố này. Trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Hữu Luận
Lý giải về điều này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng do việc tiếp cận đất đai ở hai địa phương này có những khó khăn, vướng mắc riêng không thể giống như ở các tỉnh khác. Hơn nữa, lượng doanh nghiệp tại hai thành phố này quá lớn nên ít nhiều tạo áp lực trong điều hành quản lý hơn những tỉnh, thành có ít doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi chấm điểm, doanh nghiệp cũng đã xét đến các khía cạnh này và có sự chia sẻ. Điều quan trọng vẫn là nằm ở cảm nhận của doanh nghiệp về yếu tố “nhân hòa”, tức là sự thân thiện của cán bộ, công chức cũng như tính năng động của địa phương trong quá trình điều hành kinh tế.
Chi phí tuân thủ quy định tăng
Nhận xét chung về môi trường kinh doanh cấp tỉnh trong năm 2010, ông Trần Hữu Huỳnh cho hay các địa phương có sự thay đổi tích cực ở các lĩnh vực đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có điều đáng lo ngại vì một số lĩnh vực có chiều hướng giảm so với năm trước. Cụ thể, mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian giảm hơn năm 2009.
“Điều này cho thấy gánh nặng chi phí tuân thủ các quy định có xu hướng tăng lên. Cũng có nghĩa là cảm nhận của doanh nghiệp về Đề án 30 chỉ mới ở bước công khai thủ tục, còn bước cắt giảm thủ tục và cắt giảm chi phí tuân thủ các thủ tục mà đề án đề ra chưa đi vào thực tiễn” - ông Huỳnh nói.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan tỏ ra lo ngại về điểm số tính minh bạch giảm mạnh so với năm trước gây khó khăn cho các quyết định đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp. “Để tiếp cận các thông tin, tài liệu kế hoạch theo đánh giá của doanh nghiệp thì việc sử dụng “mối quan hệ” đang tăng lên. Có đến 78,64% doanh nghiệp cho biết cần có quan hệ để tiếp cận thông tin của tỉnh, tăng hơn 17% so với năm 2009, mức tăng cao nhất trong sáu năm qua. Đây là điểm đáng lo ngại bởi tính minh bạch là một trong hai chỉ số thành phần có trọng số cao nhất (20%) trong chỉ số PCI” - bà Lan lưu ý.
“Việc xa rời tính cạnh tranh, tính minh bạch giảm sút qua việc tiếp cận đất đai cũng như tiếp cận các thông tin về quy hoạch, kế hoạch khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, vấn đề tham nhũng thông qua các chi phí không chính thức tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại mà các địa phương cần cải thiện hơn nữa. Tôi mong chỉ số PCI sẽ là thông tin có giá trị thúc đẩy quá trình điều hành của các tỉnh, thành trong phát triển kinh tế” - bà Virginia Palmer, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, nhấn mạnh.
40% doanh nghiệp trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước. 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh. 18% doanh nghiệp tiến hành “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục. 70% doanh nghiệp FDI chi trả chi phí “bôi trơn” để thông quan hàng hóa nhanh hơn. |
GIA NGUYÊN - TRÀ PHƯƠNG