NÓNG BỎNG CHẤT VẤN VỀ ĐIỀU HÀNH GIÁ XĂNG, DẦU, ĐIỆN

Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp

Không ngoài dự đoán, phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ ngày 24-11 đã trở nên nóng bỏng trước sự truy đuổi của các ĐBQH về việc giá xăng dầu nhảy múa và giá điện liên tục đòi tăng. Tuy vậy, với câu trả lời chốt lại phần chất vấn của mình, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã lấy điểm của không ít ĐB. Ông nói: “Cá nhân tôi nghĩ rằng minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp và căn cơ. Nếu chúng ta không đảm bảo được sự minh bạch, công khai thì vấn đề điều hành giá khó mà thành công, thậm chí vấn đề lớn hơn là tái cấu trúc cũng khó mà giành được thắng lợi lớn hoặc thắng lợi sớm”.

Lỗ mà lương vẫn cao là không thỏa đáng

Trước thông tin ngành điện luôn kêu thiếu vốn, lỗ và đòi tăng giá nhưng lương thưởng của nhân viên cao vượt xa thu nhập trung bình của người dân (năm 2009 là 7,3 triệu đồng/tháng), 13 ĐB đã lên tiếng truy Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về vấn đề điều hành giá điện và giá xăng dầu.

“Phải chăng từ độc quyền nhà nước biến thành độc quyền DN? EVN đã buộc người tiêu dùng không những phải chịu những khoản lỗ do yếu kém mà còn phải chịu cả những khoản lỗ do thất thoát điện năng, do đầu tư ngoài ngành và do việc trả lương, thưởng rất cao? Pháp lý và đạo lý nào cho vấn đề này? Việc đề nghị tăng giá điện như vậy có minh bạch không?” - ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bức xúc hỏi.

Bộ trưởng Huệ cho biết năm 2010, thực trạng sản xuất kinh doanh điện lỗ hơn 8.000 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá là gần 15.500 tỉ đồng, tổng số là 23.500 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do EVN phải thực hiện mua điện giá cao của các DN ngoài ngành vì cơ cấu điện từ thủy điện rẻ nhất nhưng chỉ đáp ứng 40%. Một phần do chênh lệch tỉ giá cũng dẫn đến lỗ đáng kể. “Trong Báo cáo kiểm toán cũng khẳng định rằng tất cả đầu tư ngoài ngành của EVN có những loại có lãi, có loại lỗ nhưng cả lỗ và lãi của đầu tư ngoài ngành tuyệt nhiên không được tính vào phần lỗ này. Lỗ này là riêng của lĩnh vực kinh doanh điện” - ông Huệ khẳng định.

Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp ảnh 1

Bà Ngô Thị Minh, đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ninh chất vấn Bộ trưởng BộTài chính Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, ĐB Nga vẫn thắc mắc: “Theo chúng tôi, lương cao thì rất tốt, xã hội chúng ta cũng khuyến khích, tập đoàn nhà nước lương cao mà lãi thì hoàn toàn đồng tình. Tuy nhiên, lương cao mà lỗ nặng, mà chất lượng phục vụ chưa tốt thì ĐBQH và cử tri không đồng tình”.

Lương cao là do… phụ cấp

Giải tỏa phản ứng các ĐB về việc thu nhập trong ngành điện cao trong khi luôn kêu lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương của EVN là do Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn, quyết định. “Đánh giá về lương cần phải so sánh với mức thu nhập bình quân, so sánh với cùng loại hình sản xuất, kinh doanh và so sánh với cùng khu vực DN” - ông Hoàng lập luận.

Bộ trưởng Hoàng cũng cho rằng lẽ ra lãnh đạo EVN khi công bố những con số này cũng cần phải phân tích rất chi tiết. “Tôi đơn cử một ví dụ, trong đơn giá tiền lương cho ngành điện thì riêng các loại phụ cấp như phụ cấp về an toàn điện, phụ cấp độc hại, nguy hiểm… đã chiếm 25% tiền lương. Như vậy, có nghĩa là thu nhập 7,3 triệu đồng thì phụ cấp đã chiếm khoảng 1,9 triệu đồng, còn lại 5,4 triệu đồng là thu nhập” - Bộ trưởng Hoàng giải thích thêm.

Ở vị trí dung hòa hơn, Bộ trưởng Huệ cho rằng điều quan trọng là tiền lương phải làm sao phù hợp với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. “Tôi rất đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, phải xem xét, rà soát lại xem có đúng chế độ, chính sách hay không chứ cao hay thấp không quan trọng” - ông Huệ nói.

“Đau một lần sợ xỉu luôn”

Nói về kịch bản điều hành giá điện năm 2012, Bộ trưởng Huệ cho biết Bộ Tài chính, Công Thương và EVN đã thống nhất xác định giá thành cơ bản theo giá thành sản xuất năm 2011. “Với cách tính như thế, giá điện của năm 2012 vẫn tăng nhưng ở mức rất kiềm chế. Tuy nhiên, toàn bộ điện bán cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp thì vẫn giữ nguyên giá như hiện nay, kể cả việc hỗ trợ cho mỗi hộ 30.000 đồng từ ngân sách thì vẫn như cũ” - ông Huệ cho hay.

Tuy nhiên, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng nếu theo lộ trình cứ tăng từng bước giá điện như thế này thì không biết bao giờ hết lỗ và không biết bao giờ mới kêu gọi được các nhà đầu tư vào ngành điện. “Do đó, tôi đề nghị bộ trưởng nên nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, chúng ta chịu đau một lần, tính đủ chi phí, đủ giá thành, đủ lãi để làm cho ngành điện sản xuất kinh doanh tốt lên, đồng thời có chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, hoạt động bóc tách ra như thế tôi nghĩ còn hay hơn” - ông Minh góp ý.

Bộ trưởng Huệ tiếp thu ý kiến này để nghiên cứu nhưng cũng tỏ ra lo ngại: “Tăng một lần mà chịu đau sợ có khi chịu đau không xuể, đau quá có khi xỉu mất luôn”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho hay Chính phủ đang tiếp cận cơ chế giá thị trường. Trong đó phải xây dựng các cơ chế bảo đảm xây dựng thị trường cạnh tranh minh bạch và chống độc quyền. “Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt việc hình thành các thị trường cạnh tranh về xăng dầu, điện từng bước một. Tức là chúng ta chưa thể làm ngay khi chênh lệch về giá còn rất lớn” - ông Hải nói.

Chốt lại giải pháp căn cơ trong điều hành giá xăng dầu, điện, nước,… Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh đến vấn đề công khai, minh bạch. “Nhà nước phải minh bạch về chính sách. Cán bộ các cấp thực thi công vụ phải minh bạch và chất lượng. DN cũng phải minh bạch về số liệu và công khai theo quy định của pháp luật” - ông Huệ chỉ rõ.

Bộ trưởng chất vấn bộ trưởng

Trong lúc trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đổi vai từ người trả lời thành người chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. “Tôi là bộ trưởng nhưng cũng là ĐBQH và cử tri, chúng tôi rất muốn biết các tập đoàn, tổng công ty nghĩ sao khi hằng năm các bộ, ngành, các cấp đều thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Liệu các đồng chí trong tập đoàn có tiết kiệm 5%-10% chi phí thường xuyên bằng khả năng của mình, bằng đầu tư công nghệ, quản lý? Nếu giảm được như vậy chúng ta cũng giảm đáng kể được giá thành điện. Chúng tôi chờ câu trả lời của EVN” - Bộ trưởng Huệ nói.

Tuy nhiên, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã quên mất câu hỏi của Bộ trưởng Huệ. Đến khi Chủ tịch QH nhắc thì ông Hoàng mới cho hay Bộ đã yêu cầu các tập đoàn và tổng công ty nhà nước tìm các biện pháp để thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát. EVN cũng đã có kế hoạch cụ thể và theo con số ban đầu, chín tháng đầu năm 2011 ngành điện đã tiết kiệm khoảng 500 tỉ đồng trong các khoản chi.

Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp ảnh 2
Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp ảnh 3

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm