Hợp đồng của HLV Miura ký kết với VFF từ tháng 5-2014 và kéo dài đến tháng 4-2016. Tuy nhiên, trong cuộc họp Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần thứ 7, nhiệm kỳ VII, diễn ra sáng nay 28-1 tại TP.HCM, VFF đã thống nhất đi đến quyết định sa thải chiến lược gia người Nhật trước thời hạn.
Trong thời gian đầu dẫn dắt bóng đá Việt Nam, ông Miura đã tạo được ấn tượng rất tốt, tiêu biểu là chiến thắng vang dội 4-1 của Olympic Việt Nam trước Olympic Iran. Tuy nhiên, càng về sau thành tích cũng như lối chơi của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Miura càng đi xuống khiến người hâm mộ và giới chuyên môn cực kỳ thất vọng.
Triết lý của ông Miura không phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Có thể thấy rõ ngoài vấn đề thành tích, nguyên nhân chính khiến VFF đi đến quyết định sa thải HLV Miura là do ông này đã xây dựng một lối chơi không phù hợp với đặc điểm con người của bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ Việt Nam nhỏ con, có lối chơi thiên về phối hợp ngắn, kỹ thuật và họ không mạnh về thể lực. Tuy nhiên, HLV Miura đã không áp dụng điểm mạnh này lên lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Lối chơi của Việt Nam dưới thời Miura lại thiên về sức mạnh, thể lực và phòng ngự bị động.
Cứ mỗi lần tập trung các đội tuyển, vị HLV người Nhật lại nhồi giáo án thể lực cho các học trò. Điều này dẫn đến việc rất nhiều cầu thủ gặp chấn thương mỗi khi lên tuyển do không theo nổi giáo án của HLV Miura. Đã thế, khi vào giải đấu chính thức, ông Miura không có một bộ khung cầu thủ cụ thể, ông thay đổi đội hình liên tục, bất kể đối thủ là ai. Điều này có thể khiến các đối thủ của Việt Nam bị động trong việc lên phương án đối phó. Tuy vậy, nó cũng gây hại cho chính đội tuyển Việt Nam khi các cầu thủ ra sân thi đấu mà thiếu sự gắn kết vì đội hình cứ thay đổi liên tục.
Cùng chúng tôi nhìn lại những gì HLV Miura đã làm được và chưa được trong thời gian dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam:
Những dấu ấn của Việt Nam dưới thời HLV Miura:
Thắng Myanmar 6-0. Tháng 7-2014, HLV Miura đã có màn ra mắt không thể ấn tượng hơn khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thắng Myanmar đến 6-0.
Olympic Việt Nam gây chấn động châu Á khi thắng Olympic Iran đến 4-1 ở vòng bảng Asiad 17 tại Hàn Quốc (tháng 9-2014). Đây là giải đấu các cầu thủ trẻ Việt Nam thi đấu cực hay với lối chơi phòng ngự phản công rất hiệu quả. Olympic Việt Nam vượt qua vòng bảng nhưng sau đó thua Olympic UAE 1-3 ở vòng knock out đành phải dừng cuộc chơi. Tuy nhiên, đây có thể coi là thành tích tốt nhất trong gần hai năm HLV Miura dẫn dắt các tuyển Việt Nam.
U-23 và tuyển Việt Nam thắng Malaysia trên đất khách: Tháng 12-2014, tại trận bán kết lượt đi giải vô địch Đông Nam Á AFF Suzuki Cup 2014, đội tuyển Việt Nam đã có trận thi đấu đầy quả cảm ngược dòng giành chiến thắng 2-1 trước Malaysia ngay tại chảo lửa Shah Alam. Khi mà tất cả đều nghĩ Việt Nam sẽ vào chung kết thì trong trận lượt về trên sân nhà Mỹ Đình, Việt Nam bất ngờ chơi bạc nhược để thua 2-4, đành nhìn đối thủ vào chung kết.
Ba tháng sau (tháng 3-2015), U-23 Việt Nam cũng làm được điều tương tự như các đàn anh khi hạ U-23 Malaysia 2-1 tại vòng loại U-23 châu Á trên đất khách. Ở trận đấu này, U-23 Việt Nam chơi khá hay nhưng vẫn bị thủng lưới trước. Sau đó, U-23 Việt Nam vùng lên mạnh mẽ và được tưởng thưởng bằng hai bàn thắng liên tiếp của Huy Toàn và Công Phượng để hoàn tất cú lội ngược dòng.
Việt Nam hòa Iraq 1-1 ở vòng loại World Cup 2018. Ở trận này, Công Vinh đã mở tỉ số cho Việt Nam và giữ vững lợi thế trên suốt cả trận đấu. Đây là trận đấu HLV Miura đã xây dựng lối chơi phòng ngự phản công cực kỳ hiệu quả, các cầu thủ Iraq tỏ ra bế tắc trước hàng phòng ngự chắc chắn của Việt Nam trong cả trận đấu. Tuy nhiên, đúng phút bù giờ cuối cùng (phút 90+6), Iraq đã may mắn được hưởng quả phạt đền 11 m và họ đã tận dụng thành công cơ hội để ấn định kết quả hòa 1-1.
HLV Miura bị sa thải vì không thể vực dậy bóng đá Việt Nam.
Thành tích không tốt:
Thảm bại trước kỳ phùng địch thủ Thái Lan. Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura đều không có thành tích khả quan trước người Thái. Trong cả hai trận vòng loại World Cup 2018, Việt Nam đều thua trước Thái Lan. Ở trận lượt đi trên đất Thái, Việt Nam thua nhẹ Thái Lan 0-1. Tuy nhiên, đây là trận đấu mà Miura bị người hâm mộ chỉ trích rất nặng nề vì buộc các cầu thủ Việt Nam “dựng xe buýt” trước khung thành với hy vọng cầu hòa nhưng cuối cùng Việt Nam vẫn thua.
Ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình, tuyển Việt Nam chơi phóng khoáng hơn nhưng lại thua vỡ mặt đến 0-3. Đây là trận đấu cho thấy rõ người Thái đẳng cấp và bản lĩnh hơn Việt Nam rất nhiều. Dù không tạo được thế trận trên chân như lượt đi nhưng các cầu thủ Thái Lan vẫn biết chọn thời điểm chính xác để tung đòn hạ gục đối thủ.
Việt Nam 2-4 Malaysia (bán kết lượt về AFF Suzuki Cup). Như đã nói ở trên, Việt Nam thắng Malaysia 2-1 ngay trên đất Malaysia trong trận lượt đi nhưng lại bất ngờ thất thủ 2-4 trong trận lượt về đành nhìn đối thủ vào chung kết.
U-23 Việt Nam thua U-23 Myanmar 1-2 ở bán kết SEA Games 28. Bước vào trận đấu này, U-23 Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn U-23 Myanmar. U-23 Việt Nam tuy chơi lấn lướt hơn trong cả trận đấu nhưng lại không có phương án hiệu quả để xuyên thủng mành lưới Myanmar. Trong khi đó, các cầu thủ Myanmar chỉ cần hai cơ hội đã ghi được hai bàn thắng. Thua trận 1-2, U-23 Việt Nam đã khiến tất cả thất vọng đến ngỡ ngàng. Tuy nhiên, VFF không có động thái nào chấn chỉnh với lý do HLV Miura đã hoàn thành chỉ tiêu kiếm HCĐ cho U-23 Việt Nam.
U-23 Việt Nam toàn thua cả ba trận tại VCK U-23 châu Á. Có thể nói VCK U-23 châu Á là cơ hội cuối cùng để HLV Miura giữ ghế. Biết rõ điều đó, dù VFF không giao chỉ tiêu cụ thể nhưng Miura vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu vào tứ kết. Tuy nhiên, thực tế một lần nữa đã chứng minh mối lương duyên giữa Miura và bóng đá Việt Nam đã đến hồi kết. U-23 Việt Nam thua cả ba trận trước U-23 Jordan (1-3), U-23 Úc (0-2) và U-23 UAE (2-3), xếp chót bảng đấu.