Mộ cụ Nguyễn Hữu Cảnh: Mất dấu xưa

Ông Nguyễn Hữu Tiến, 62 tuổi, ở làng Đại Phúc (Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) là hậu duệ trực hệ đời thứ 10 của người mở cõi phương Nam, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) hiện coi sóc đền thờ, cúng giỗ mộ phần cho Lễ thành hầu, cho biết: “Khi động thổ, khởi công động chạm mồ mả của Đức Ông (Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - PV) phía đơn vị thi công và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình không hề hỏi ý kiến tôi cũng như người trong dòng tộc Nguyễn Hữu. Chúng tôi là người trực tiếp thờ tự, cúng giỗ, chăm sóc mồ mả nhưng chưa một lần Sở VH-TT&DL hỏi ý kiến về quy cách làm mộ mới và cả khi động thổ nên họ tộc rất đau buồn”.

Khu mộ Nguyễn Hữu Cảnh được táng tại xã Trường Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Hiện là khu vực đang ngổn ngang đá xây dựng. Toàn bộ khu vực I của mộ bị biến dạng so với trước đó.

Cách đây bốn năm, khi có dịp hành hương về khu vực này, khách khứa thấy lăng mộ hết sức thanh tao. Mộ là một hình ô vuông, bên ngoài lát đá hoa cương, giữa rải sỏi đúng phong tục địa phương, hai bên có hai cây hoa đại giản dị. Nhà bia thanh thoát. Nay toàn bộ khu vực hoàn toàn khác, những cây hoa đại bị bứng đi đâu không rõ, hàng đá hoa cương bị đập bỏ, bia mộ bị đưa ra phía sau khu vực xây dựng. Đặt lên trung tâm mộ là quan đá nặng nề, trùm phủ hết, chỉ còn một lỗ thông linh nhỏ như chén trà cóc.

Mộ cụ Nguyễn Hữu Cảnh: Mất dấu xưa ảnh 1

Mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh giản dị giữa đất trời Thác Ro trước khi động thổ khởi công tôn tạo. Ảnh: M.QUÊ

Mộ cụ Nguyễn Hữu Cảnh: Mất dấu xưa ảnh 2

Sau khi không hỏi ý kiến dòng tộc, mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh bị biến dạng và quàn quan đá nặng nề, mất thần thế. Ảnh: M.QUÊ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Luyến, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình, cho biết việc thực hiện dự án tôn tạo lăng mộ cụ Nguyễn Hữu Cảnh có từ thời giám đốc trước, ông là người kế thừa và triển khai. Dự án này có tổng mức đầu tư 19 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương. Khi đề cập vì sao không hỏi ý kiến hậu duệ và họ tộc Nguyễn Hữu còn sống ở xã Vạn Ninh thì ông Luyến cho rằng chuyện đó cũng lâu rồi nên ông không biết nhưng cũng có tham khảo ý kiến họ tộc.

Tuy nhiên, đại diện phía dòng họ Nguyễn Hữu ở Vạn Ninh lần nữa khẳng định là họ không hề được tham gia, không được ai hỏi gì, cũng không được ký tá bất cứ văn bản nào (về phía đại diện gia đình).

Về việc phản ứng, không bằng lòng từ mộ nấm đất thanh tao như lễ tục địa phương nay quàn quan đá hàng tấn lên, không có nấm đất, nấm sỏi mà ông Nguyễn Hữu Tiến phản ánh, ông Luyến cho rằng nếu gia đình có ý kiến, Sở sẽ đề nghị lên Bộ VH-TT&DL sửa lại để có thêm khu vực nấm đất thanh thoát như ý kiến của hậu duệ, dòng tộc.

Theo ông Lương Văn Luyến, công trình trùng tu tôn tạo khu vực lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh do Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, Bộ VH-TT&DL có thỏa thuận đồng ý, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt. Tuy nhiên, theo Luật Di sản, di tích lịch sử quốc gia, khi tiến hành trùng tu tôn tạo thì khu vực I, khu vực bảo vệ nghiêm nghặt cần ít tác động nhưng mồ mả của người mở cõi phương Nam đã bị biến dạng hoàn toàn, mất tích dấu xưa.

MINH QUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm