Ngày 18-1, hội thảo “CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) với doanh nghiệp (DN) Việt: Lợi ích hay thách thức” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội thảo đầu tiên sau khi CPTPP có hiệu lực.
CPTPP có chấm dứt được các cuộc giải cứu?
Sau khi đại diện Bộ Công Thương trình bày khái lược về CPTPP cũng như nguyên tắc xuất xứ của hiệp định này, các DN tham dự hội thảo phát biểu ý kiến.
Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght VN, cung cấp những quan điểm khá toàn diện về ngành chăn nuôi VN. Theo ông Trí, các nước có ngành chăn nuôi nổi tiếng thường mạnh về thương hiệu, quy mô, quản lý trang trại và chất lượng. “Với những nước như New Zealand, Mexico, chúng ta có thể phải chịu đựng nhiều rủi ro khi cạnh tranh” - ông Trí nói.
Nhìn về VN hiện nay, với tổng thể đàn gia súc, gia cầm khá lớn, VN đang có năng lực sản xuất nhưng công nghệ lại bị những nước khác bỏ xa.
Theo ông Trí, hiện VN có 28 triệu con heo, 35 triệu gia cầm, 10 triệu gia súc mỗi năm cho ra khoảng 5,2 triệu tấn thịt thành phẩm.
“Mấy năm nay chúng ta thỉnh thoảng lại phải giải cứu nông sản. Vì sao lại như vậy? Vì giá thành chưa cạnh tranh, hiệu suất, năng suất chưa cao. Các nguyên liệu đầu vào chiếm 65% chi phí. Nguồn giống, hệ thống quản lý trang trại tối ưu chưa đáp ứng được” - ông Trí vừa hỏi vừa trả lời.
Đặc biệt, ông Trí cho rằng trang trại của VN vẫn ở quy mô hộ gia đình và công nghệ tối ưu, tự động chưa được áp dụng.
Ông Đỗ Văn Huệ, CLB Nông nghiệp CNC VN, thì cho rằng nông nghiệp hiện nay cần phải thay đổi và tiệm cận với công nghệ của thế giới. “Chẳng hạn hiện nay, các nước không sấy trái cây nóng nữa mà họ chuyển sang sấy lạnh, sấy thăng hoa” - ông Huệ nói và khẳng định tương lai nếu trái cây VN sấy nóng thì khó xuất khẩu.
Mặt khác, DN VN vẫn chưa chủ động mang nông sản đi giới thiệu và bán ở nước ngoài. “Chúng tôi đầu tư một trung tâm giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài, rồi đi tìm hiểu nhu cầu thị trường bên đó. Chẳng hạn mãng cầu xiêm ở VN khá rẻ nhưng nước ngoài lại khá đắt, thậm chí còn bán được cả lá” - ông Huệ dẫn chứng và cho rằng các DN trong lĩnh vực nông nghiệp cần sản xuất nông sản các nước cần chứ không phải những gì VN có.
Bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ, đang trình bày các vấn đề từ CPTPP liên quan đến ngành dệt may. Ảnh: CHÂN LUẬN
Dệt may cần giảm ngay những quy định gây khó
Bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ, khi đề cập đến phần khá cốt lõi về “nguyên tắc xuất xứ” đã nhấn mạnh tới ngành dệt may.
“Dệt may là một chương riêng trong CPTPP và chưa bao giờ có sự ưu ái như vậy” - bà Thùy khẳng định. Chính vì vậy theo bà Thùy, CPTPP tác động tới ngành dệt may rất nhiều. Đã có những đánh giá dựa vào nguồn số liệu chính xác nhưng hiện nay những tác động này chưa được công bố.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của ngành dệt may là phải sản xuất được đủ vải, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. “CPTPP mấu chốt nhất là giải quyết được khâu sản xuất vải làm nguyên liệu cho sản phẩm xuất khẩu. Sản xuất sợi cũng khó nhưng không bằng vải” - ông Cẩm cho hay.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN, cũng đồng quan điểm và cho rằng: “Vấn đề lớn nhất của ngành dệt may không hẳn là sản xuất vải mà mấu chốt là vấn đề in, nhuộm..”. Ông Sơn nói mình đã đi nhiều nước và thấy như Hàn Quốc, Trung Quốc, các tập đoàn, DN lớn về dệt may đều xây dựng chuỗi cung ứng, khu công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. “Khi tập trung về một khu vực, DN dễ dàng xử lý nước thải, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Vải từ nông thôn hay các DN nhỏ và vừa cũng sẽ được tận dụng tốt hơn” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, có DN FDI tại VN sản xuất tới 5 triệu mét vải/năm nhưng DN không tiếp cận được vì các DN này đầu tư vào để sản xuất vải phục vụ cho chuỗi sản xuất của họ. “Dù có tới 12,8 tỉ USD nhập vải về gia công, xuất khẩu nhưng số này cũng nhập vào VN để cung ứng cho hệ thống của các DN FDI” - ông Sơn nói.
Cả ông Sơn và ông Cẩm đều đề xuất Chính phủ và các địa phương xây dựng thể chế về tiếp cận đất đai, thay đổi nhận thức về việc cấp phép đầu tư cho dệt may. “Nhiều địa phương cũng nhận thức có mức độ. Chẳng hạn có tập đoàn đã mua 23 ha đất ở một tỉnh để đầu tư nhưng đời chủ tịch trước thì đồng ý, chủ tịch sau này lại không đồng ý cấp phép đầu tư dù có ý kiến của cấp bộ. DN rất khốn khổ” - ông Sơn nói.
Bà Thùy kể, mới đây bà được UBND tỉnh Bắc Giang mời nói về CPTPP. “Khi nói về dệt may, tỉnh này đã rất tiếc vì không cấp phép và mời gọi các nhà đầu tư. Bởi chưa ai nói cho lãnh đạo tỉnh biết về quy tắc xuất xứ, nhất là đối với ngành dệt may trong CPTPP” - bà Thùy nói.
Theo ông Cẩm, Hiệp hội Dệt may VN đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi nhiều quy định để tháo gỡ khó khăn cho ngành và nhiều kiến nghị đã được lắng nghe. Tuy vậy, điều ông Cẩm lo lắng là việc ban hành các quy định mới.
Ông Cẩm dứt khoát: “Không phải lúc DN nói nhiều thì giảm các thủ tục, quy định, còn lúc không nói lại ban hành thêm các văn bản, quy định gây khó cho DN”. Nhưng bà Thùy lại có quan điểm khác khi cho rằng: “Nếu tôi là DN, tôi không xin Nhà nước hỗ trợ những vấn đề trên. Hỗ trợ lớn nhất là một chính sách minh bạch, ổn định”.
Ngoài các lĩnh vực truyền thống, VN có một số cam kết khác, phi truyền thống như lao động, sở hữu trí tuệ, DN nhà nước, mua sắm công, môi trường... Trong chương lao động, VN được hưởng một số ưu đãi nhất định. VN có khoảng bảy năm không bị trừng phạt thương mại ở phần này. Các nước trong CPTPP cam kết xóa bỏ gần như 100% số dòng thuế ở các ngành đồ gỗ, thủy sản... Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ở chiều ngược lại, VN cũng cam kết xóa bỏ nhiều dòng thuế với các thành viên tham gia hiệp định. Với một số mặt hàng nhạy cảm như bia, thịt gà, VN có lộ trình cắt giảm thuế cho các nước khác trong 10 năm. Các lĩnh vực VN được hưởng lợi nhiều như giày dép, cà phê, chè, hạt tiêu... |