Ngày mai (8-2), TP.HCM sẽ xây dựng cầu vượt tại nút giao nằm trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM).
Phối cảnh cầu vượt chữ Y trên đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: L.ĐỨC
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 242 tỉ đồng, được thực hiện theo “thủ tục cấp bách” và hoàn thành ngay trong năm 2017.
Hy vọng đến cuối năm nay, khi dự án cầu vượt trên hoàn thành thì cảnh xe trên đường Trường Sơn, trước sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không còn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cùng với dự án trên, TP.HCM cũng đang nghiên cứu triển khai dự án tuyến nhánh metro nối đến sân bay Tân Sơn Nhất (tuyến 4b-1) sử dụng vốn hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.
Tuyến nhánh sân bay này sẽ kéo dài 2 km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Công viên Hoàng Văn Thụ rồi kết nối với tuyến metro số 5. Toàn bộ đoạn 2 km này đều đi ngầm. Trên đoạn này sẽ có hai nhà ga metro. Tuyến nhánh này có tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Đây sẽ là một trong các dự án quan trọng giải quyết tình trạng ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng đang xảy ra ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Sơ đồ tuyến nhánh metro vào sân bay Tân Sơn Nhất
Tuy nhiên, như Pháp Luật TP.HCM đã nêu, kẹt xe ở Tân Sơn Nhất chủ yếu là do lượng xe “quá cảnh”, đã mượn đường đi ngang qua sân bay. Đặc biệt, kể từ khi dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài thông xe toàn tuyến, nhu cầu “quá cảnh” đã tăng mạnh khiến giao thông khu vực, nhất là ở quanh sân bay Tân Sơn càng nghiêm trọng.
Hai luồng hai hướng đổ dồn về hướng sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có đến 70% xe máy và 62% ô tô đi ngang qua nhưng không có nhu cầu vào sân bay. Ảnh: MP
Trong thời gian cao điểm Tết vừa qua, kẹt xe vây tứ bề quanh sân bay này khiến nhiều hành khách khi đến gần sân bay phải xuống xe vác balo và cuốc bộ vào sân bay. Dù vậy, nhiều hành khách đã phải khóc ròng vì trễ chuyến bay.
Luồng thứ nhất từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đổ qua Bạch Đằng vào vào Tân Sơn Nhất. Ảnh: MP
Vì vậy, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM cùng cộng sự nghiên cứu “mở đường mới” cho các xe quá cảnh đi nhằm tránh kẹt cho sân bay.
“Đây là sự điều phối giao thông khẩn cấp cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Giải pháp này có thể triển khai ngay, giải quyết nạn kẹt xe đang diễn ra thường xuyên cho khu vực sân bay, trong thời gian chờ các công trình, dự án giao thông hoàn thành” - PGS-TS Hồ Thanh Phong nói với Pháp Luật TP.HCM.
Luồng thứ hai từ Cộng Hòa (quận Tân Bình), Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) và Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) đổ qua Trường Sơn vào Tân Sơn Nhất. Ảnh: MP
Cụ thể, PGS-TS Hồ Thanh Phong cùng cộng sự nghiên cứu, đề xuất mở đường Nguyễn Kiệm thành hai chiều. Theo ông, cách này sẽ giảm đáng kể lưu lượng xe vào Bạch Đằng -> Trường Sơn -> Cộng Hòa.
Phương án mở đường Nguyễn Kiệm để giảm tải cho đường Trường Sơn. Ảnh: MP
Ngoài ra, nhóm của PGS-TS Phong cũng đề xuất phương án hai là mở hai chiều đường Nguyễn Kiệm đồng thời mở hai chiều cầu vượt Lăng Cha Cả, quận Tân Bình và đường Hoàng Văn Thụ, đoạn từ chân cầu vượt đến mũi tàu Nguyễn Văn Trỗi.
Phương án mở hai chiều đường Nguyễn Kiệm, cầu vượt Lăng Cha Cả và đường Hoàng Văn Thụ cho xe không có nhu cầu vào sân bay đi lại. Ảnh: MP
Phương án mở hai chiều đường Nguyễn Kiệm, cầu vượt Lăng Cha Cả và đường Hoàng Văn Thụ cho xe không có nhu cầu vào sân bay đi lại. Ảnh: MP
“Khu vực trước sân bay, đặc biệt là đường Trường Sơn đang quá tải bởi vì tỉ lệ lớn các xe máy, ô tô đi ngang qua mà không có nhu cầu vào sân bay. Chúng tôi đưa ra các đề xuất này để lượng xe mượn đường Trường Sơn như trên họ đi.
Chúng tôi khảo sát, đếm xe và sử dụng các chương trình mô phỏng traffic simulation. Đây là một công cụ hữu hiệu để đánh giá mọi phương án sẽ thực hiện trên hệ thống giao thông thực. Tôi tin rằng khi thực hiện các phương án trên thì lượng xe trên đường Trường Sơn sẽ giảm, vận tốc lưu thông tăng và đường sẽ thông thoáng”, PGS-TS Hồ Thanh Phong khẳng định.