“Nghị định 15/2018 có nhiều thay đổi căn bản trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro và nguy cơ, phù hợp với thông lệ của quốc tế, bắt kịp trình độ quản lý của các nước tiên tiến”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận định như thế tại hội nghị phổ biến Nghị định 15/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP, thay thế Nghị định 38/2012 trước đây, vào sáng 23-2.
Hội nghị được Bộ Y tế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và nhiều hiệp hội doanh nghiệp (DN) tổ chức.
Thay đổi căn bản, mạnh mẽ
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: Nghị định 15/2018 đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng khi nó có hiệu lực ngay từ ngày ký, 2-2.
Nghị định này có 11 nội dung thay đổi rất căn bản, mạnh mẽ. “Ví dụ, DN sẽ tự công bố sản phẩm thay vì như trước đây phải gửi đến rất nhiều cơ quan để xin giấy phép. Điều này đẻ ra nhiều giấy phép khác nên mới có câu chuyện “một chiếc bánh sôcôla cõng 13 giấy phép”, Thứ trưởng Long nêu và khẳng định DN sẽ không phải xin giấy phép nào nữa trong việc công bố sản phẩm khi đủ tiêu chuẩn an toàn. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm, xử lý sai phạm nếu phát hiện ra.
“Ngay sau khi tự công bố là DN có quyền kinh doanh, phân phối lưu thông” - Thứ trưởng Long nêu.
Về quản lý thực phẩm nhập khẩu, Thứ trưởng Long cho biết cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng nhập khẩu, lựa chọn tối đa 5% để kiểm tra, kiểm tra hồ sơ chứ không bằng cảm quan như trước đây.
“Điều này sẽ tiết kiệm rất lớn thủ tục hành chính, chi phí lưu kho, lưu bãi. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra chặt thực phẩm nhập khẩu khi DN “có tiền sử không đảm bảo chất lượng, có cảnh báo của các cơ quan hữu quan và nhà sản xuất, phát hiện trên sai phạm khi lưu thông” - Thứ trưởng Long khẳng định.
Nghi định 15/2018 là dấu chấm hết cho thời kỳ gian nan của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Dấu chấm hết…”
Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc, cho rằng những người “hưởng lợi” từ Nghị định 15/2018 là rất đông đảo. “Nghị định này là một cuộc cách mạng, giảm gánh nặng cho DN. Nghị định 15/2018 là dấu chấm hết cho thời kỳ gian nan của các DN khi Nghị định 38/2012 hết sức hành chính và hình thức và không nâng cao được ATTP” - ông Lộc nói và cho rằng Nghị định 15/2018 là một “luồng gió mới của cải cách thủ tục hành chính”.
Ông Lộc lưu ý các DN: “Thủ tục hành chính giảm đi 90% thì trách nhiệm của DN phải nâng lên 100% để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đây có thể nói là trách nhiệm tuyệt đối của DN”.
3.700 tỉ đồng và hàng triệu ngày công, đó là số liệu đánh giá sơ bộ mà Nghị định 15/2018 sẽ mang lại cho DN. “Con số này rất có ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa lớn hơn lại nằm ở sự chuyển đổi tư duy quản lý của Nhà nước” - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nói. |
Từ đây, ông Lộc hy vọng rằng các lĩnh vực còn đang “băn khoăn” hãy học cách làm này của Bộ Y tế để tạo thêm động lực phát triển.
“Tôi hy vọng những hành động cải cách này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ATTP. Chúng ta đều mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có những món quà đầy trách nhiệm cho người dân và DN” - ông Lộc nói.
Trước đó, hồi tháng 1-2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng khẳng định:“Sẽ không còn việc kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan; áp dụng tối đa việc quản lý rủi ro trên cơ sở việc tuân thủ của DN. Việc này cũng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng công nhận kết quả đánh giá của các nước khác” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Dũng thông tin: “Như vậy, chúng tôi sẽ chỉ kiểm tra khoảng 5% số lô hàng nhập khẩu và hàng hóa sẽ được phân thành luồng xanh (DN không phải kiểm tra chuyên ngành, không phải làm thủ tục), luồng vàng, luồng đỏ. Tức là có thể giảm tới 90%-95% số thủ tục các DN phải thực hiện”.
Điểm rất mới về quảng cáo thực phẩm nghị định 15/2018 gồm 13 chương, 44 điều, điều chỉnh 11 vấn đề. Ngoài thủ tục tự công bố sản phẩm thì quy định về quảng cáo thực phẩm cũng có điểm rất mới. Theo đó, trước đây tất cả sản phẩm đều phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo thì hiện nay chỉ còn hai loại sản phẩm phải thực hiện thủ tục này. Đó là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Sản phẩm thứ hai là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo. Trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP cũng được thay đổi khi quy định: Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì quyền quản lý thuộc về cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất. Các cơ sở không sản xuất nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì ngành công thương quản lý, trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản. Các cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì được lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP để thực hiện các thủ tục hành chính. |