Mới đây, Bộ TN&MT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện đề án “Tập trung, tích tụ đất đai phục vụ và thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung”. Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án là cơ chế khuyến khích các tổ chức kinh tế, người Việt ở nước ngoài, doanh nghiệp (DN) FDI được thuê đất quy mô lớn để làm các dự án về nông nghiệp…
Đang có sáu mô hình
Theo Bộ TN&MT, thực tiễn tại Việt Nam đang có sáu phương thức, mô hình tích tụ ruộng đất.
Mô hình một là dồn điền đổi thửa, dựa trên việc các hộ dân được giao đất nông nghiệp tự nguyện hoán đổi các thửa đất cho nhau để giảm số thửa và tăng diện tích các thửa đất.
Mô hình hai là DN thuê đất nông nghiệp của người sử dụng đất thông qua hợp đồng thuê đất. Phương thức này đã được làm thành công tại một số nơi như Tập đoàn VinGroup (VinEco) thực hiện thuê 213 ha đất của dân tại huyện Hương Trà (Huế) để sản xuất rau công nghệ cao, thuê 250 ha đất của dân tại Vĩnh Phú để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Mô hình ba là nhà đầu tư liên kết với các hộ gia đình có đất để trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó nhà đầu tư sẽ cung ứng vật tư, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, các hộ sẽ trực tiếp sản xuất trên phần đất của mình. Mô hình này làm khá thành công tại năm huyện thuộc tỉnh Nam Định với quy mô 1.200 ha.
Mô hình bốn là những người nông dân có đất liên kết với nhau để tập trung đất đai cùng tổ chức sản xuất hoặc liên kết hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc DN. Mô hình này được thực hiện khá thành công tại các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…
Mô hình năm là hình thức người nông dân chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất. Phương thức này diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh phía Nam.
Mô hình sáu là nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tức người dân góp vốn vào DN bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh…
Chính sách tập trung tích tụ đất đai dựa trên nguyên tắc “phải đảm bảo hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài cho người nông dân, nhà đầu tư, nhà nước”. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Tiến Quân
Bộ TN&M cho hay qua thực tiễn cho thấy trong sáu mô hình tích tụ ruộng đất trên có mô hình hai, ba và bốn đã thực hiện khá thành công và ít gây tiêu cực xã hội.
Ba mô hình còn lại phù hợp với cơ chế thị trường nhưng quá trình tổ chức thực hiện chưa thành công. “Nguyên nhân do giá trị đất nông nghiệp thấp nên khi người có đất góp vốn vào DN phần vốn góp chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số vốn của DN. Khi DN tăng vốn điều lệ thì giá trị đất nông nghiệp còn lại rất thấp dẫn đến mất tư liệu sản xuất” - Bộ TN&MT đánh giá. Hay như phương thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì nông dân thường không được chuyển đổi nghề, giá trị chuyển nhượng đất lại thấp nên người dân vẫn có tâm lý giữ đất như biện pháp bảo đảm cho kế sinh nhai…
Mở cửa cho DN FDI làm nông nghiệp?
Theo đề án này, Bộ TN&MT đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách tập trung tích tụ đất đai dựa trên nguyên tắc “phải đảm bảo hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài cho người nông dân, nhà đầu tư, nhà nước”.
Cụ thể, nhà nước sẽ thông qua trung tâm phát triển quỹ đất làm đầu mối thực hiện tích tụ đất đai. Trong đó, nhà đầu tư sẽ liên hệ với trung tâm quỹ đất để đăng ký về nhu cầu đất, thuê đất lập dự án sản xuất nông nghiệp và trung tâm này sẽ đứng ra tích tụ đất đai của nông dân (theo các phương thức thuê, nhận chuyển nhượng, nhận ký gửi quỹ đất).
Bộ TN&MT đề nghị cần có cơ chế cụ thể (ví dụ như tăng thời hạn sử dụng đất; quy định trích lập dự phòng rủi ro tại DN; cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong phần đất nông nghiệp, nhà đầu tư thuê…). Cùng đó là có nguồn quỹ phát triển đất, quỹ bảo hiểm để đề phòng, xử lý rủi ro khi có tranh chấp phát sinh, khi DN phá sản…
Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án là cơ chế khuyến khích Việt kiều, DN FDI thuê đất để đầu tư các dự án nông nghiệp. Trong đó, nhà nước sẽ đóng vai trò trung gian thu hồi đất để cho nhà đầu tư nước ngoài thuê lại thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoặc đầu tư xây dựng kinh doanh, kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp công nghệ cao. Địa điểm thuê đất phải loại trừ các vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. Đề án đề nghị thí điểm nội dung này tại ba tỉnh Hà Nam, Thái Bình và An Giang.
Theo tờ trình của Bộ TN&MT thời gian thực hiện thí điểm đề án tích tụ đất đai là năm năm kể từ khi Chính Phủ, Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này. Đối với phương thức, mô hình nêu tại nghị quyết của Chính phủ thì các tỉnh chủ động triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện địa phương mình. Đối với phương thức, mô hình được Quốc hội thông qua ngoài các tỉnh được lựa chọn thí điểm, các địa phương khác đề nghị được tham gia thì sẽ được Chính phủ xem xét lựa chọn. |